Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định phù hợp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp”, quy định mới trong Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nhận được sự đón nhận của người dân, đặc biệt là hệ thống báo chí, bởi đây là quy định gắn chặt với hoạt động tác nghiệp của báo chí.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây vốn là quy định có nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình xây dựng Luật, với những góc nhìn khác nhau, nhưng nếu nhìn từ thực tế, việc “cởi mở” trong quy định này là phù hợp, khi nhu cầu thông tin chuẩn xác luôn cần thiết.

Như Điều 141, Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) vừa được thông qua, cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp. Tuy nhiên, ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định. Luật mới cũng quy định tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Trong Dự thảo Luật chỉ thực hiện trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép; việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của họ.

Như vậy, quy định chính thức tại Luật mới về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đã "mở" hơn so với Dự thảo Luật trước đó. Ghi âm, ghi hình vốn là hoạt động đặc thù của nghề báo, với quy định này, đã tạo điều kiện cho tác nghiệp của phóng viên, phù hợp với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Báo chí về cho phép nhà báo được tham dự đưa tin "diễn biến", "được tác nghiệp" tại các phiên tòa xét xử công khai…

Nhìn từ thực tế, hoạt động ghi âm, ghi hình cũng vốn là công cụ để người dân, các cơ quan báo chí giám sát các hoạt động tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo hướng cải thiện, góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, dân chủ.

Với những phiên tòa công khai, việc quy định theo hướng tạo điều kiện cho nhà báo được tiếp cận diễn biến phiên tòa, ghi âm, ghi hình trên cơ sở chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, nội quy phiên tòa sẽ giúp có được những thông tin chuẩn xác nhất.

Đây cũng là một cách để tránh đi những thông tin về một số vụ án thời gian qua bị đăng tải tràn lan trên các kênh thông tin, mạng xã hội không chính thống, không kiểm chứng, tạo ra các ý kiến trái chiều từ dư luận.

Vẫn biết rằng, quá trình diễn ra phiên tòa, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thậm chí có những thông tin nhạy cảm…, nếu được ghi âm, có thể dẫn đến phát tán.

Vì thế, những lo ngại trước quy định này cũng không phải vô cớ. Nhưng dưới góc độ nghề nghiệp, những người hoạt động trong cơ quan báo chí đều được đào tạo chuyên môn, bài bản, việc thông tin luôn phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, khách quan.

Với mỗi phóng viên, khi tác nghiệp tại phiên tòa, họ phải chịu trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra; người đứng đầu cơ quan báo chí cũng phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra việc cắt ghép, chia sẻ không đúng quy định.

Đây chính là điều kiện để quy định cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp phục vụ tốt hơn cho yêu cầu tác nghiệp của phóng viên, báo chí. Hơn thế nữa, chính các thông tin chính thống trên báo chí sẽ là bộ lọc quan trọng để bảo đảm những thông tin được đưa ra là chính xác, vừa bảo đảm được tính công khai, minh bạch, tránh đi những sai sót không đáng có.