Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định bất ngờ của Ả Rập Saudi để cứu giá dầu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ả Rập Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hôm 4/6 cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1 triệu thùng/ngày, nhằm thúc đẩy giá nhiên liệu toàn cầu.

Ả Rập Saudi cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới. Ảnh: AP
Ả Rập Saudi cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới. Ảnh: AP

Theo đó, Ả Rập Saudi cam kết giảm sản lượng “vàng đen” ở mức kỷ lục từ tháng 7 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là nhóm OPEC+, gia hạn thỏa thuận siết nguồn cung đến hết năm 2024.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Riyadh là hành động tự nguyện, được đưa ra sau cuộc thảo luận kéo dài nhiều giờ với các thành viên của nhóm OPEC+ tại thủ đô Vienna của Áo hôm 4/6.

Theo thông báo của Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi, sản lượng dầu của nước này sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới từ mức 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 - mức giảm lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al-Saud, khẳng định "sẽ làm mọi thứ cần thiết để đem lại sự ổn định cho thị trường năng lượng", trong bối cảnh giá dầu phải chịu áp lực lớn từ những dự báo kinh tế kém khả quan tại nhiều quốc gia, tiêu biểu là Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ làm hết sức để mang lại sự ổn định cho thị trường" - Hoàng tử Abdulaziz nói trong một cuộc họp báo hôm 4/6.

Liên minh OPEC+, do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu, cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới, đồng nghĩa các chính sách của tổ chức này có thể tác động lớn đến giá dầu.

Quyết định cắt giảm nguồn cung bất ngờ vào tháng 4 đã nhanh chóng đẩy giá dầu Brent lên khoảng 9 USD, nhưng sau đó giá dầu liên tục lao dốc do áp lực từ lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent giao dịch ở mức 76 USD/thùng.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi là thành viên duy nhất của OPEC+ có đủ công suất và kho dự trữ để có thể dễ dàng giảm và tăng sản lượng.

OPEC+ gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng đến hết năm 2024

Kết thúc cuộc họp chính sách ở Vienna, các nước OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh tổng sản lượng khai thác của khối ở mức 40,46 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2024.

Nhóm OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. Ảnh: AP
Nhóm OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. Ảnh: AP

OPEC+ cho rằng sự thay đổi này phù hợp với cam kết xuyên suốt của tổ chức và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, “nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường,” trong đó, có tính đến cách tiếp cận chủ động và đón đầu thành công của những năm trước.

Trước đó, liên minh OPEC+ đã cắt  giảm 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu, bao gồm 2 triệu thùng/ngày đã thống nhất vào năm ngoái và cắt giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày hồi tháng 4 vừa qua.

Theo các cam kết sửa đổi do OPEC+ công bố sau cuộc họp, Ả Rập Saudi sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày, kể từ tháng 1/2024.

Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của liên minh gồm 23 thành viên sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức cắt giảm này sẽ không thực tế vì nhóm đã hạ thấp các mục tiêu cho Nga, Nigeria và Angola để phù hợp với mức sản xuất thực tế hiện tại. Ngược lại, UAE được phép tăng mục tiêu sản lượng khoảng 0,2 triệu thùng/ngày lên 3,22 triệu thùng/ngày.

Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã cáo buộc OPEC thao túng giá dầu và làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu vì đẩy giá năng lượng tăng cao. Phương Tây cũng cáo buộc OPEC đứng về phía Nga.

Đáp lại, OPEC cho biết việc in tiền của phương Tây trong thập kỷ qua đã thúc đẩy lạm phát và buộc các quốc gia sản xuất dầu mỏ phải hành động để duy trì giá trị xuất khẩu chính của họ.

Theo giới phân tích, quyết định mới nhất của OPEC+ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nhóm này sẵn sàng hỗ trợ giá và cố gắng ngăn chặn các nhà đầu cơ.

Chuyên gia Amrita Sen, đồng sáng lập tổ chức tư vấn Các khía cạnh năng lượng, nhận định: “Quyết định điều chỉnh sản lượng là một tín hiệu rõ ràng cho thị trường rằng OPEC+ sẵn sàng đưa ra và bảo vệ mức giá sàn”.

Cũng có quan điểm tương tự, nhà phân tích Gary Ross, người theo dõi kỳ cựu của OPEC và là người sáng lập Black Gold Investors, cho biết Ả Rập  Saudi đã thực hiện tốt việc cảnh báo đối với các nhà đầu cơ và rõ ràng họ muốn giá dầu cao hơn.