Quyết định bất ngờ của OPEC+ “chọc giận” Mỹ, giá dầu sẽ ra sao?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng an ninh toàn cầu, liệu quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ có khiến giá dầu thế giới trở nên điên loạn?

Mỹ phản ứng gắt với quyết định bất ngờ của OPEC+

Theo hãng tin Reuters, Ả Rập Saudi và các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác (nhóm OPEC+) hôm 2/4 thông báo giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày.

Nhóm OPEC+ hôm 2/4 thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày. Ảnh: Reuters
Nhóm OPEC+ hôm 2/4 thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày. Ảnh: Reuters

Việc cắt giảm theo cơ chế tự nguyện sẽ bắt đầu từ tháng 5 tới và kéo dài đến hết năm nay. Theo thông báo mới nhất của OPEC+, Iraq sẽ giảm 211.000 thùng dầu/ngày, Nga và Ả Rập Saudi đều giảm 500.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) giảm 144.000 thùng/ngày, Kuwait giảm 128.000 thùng/ngày, Oman giảm 40.000 thùng/ngày, Algeria giảm 48.000 thùng/ngày, Kazakhstan giảm 78.000 thùng/ngày.

Theo quyết định được đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, OPEC+ vẫn sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2023. Trong khi đó, hồi tháng 2 vừa qua, Nga đã thông báo kế hoạch giảm sản lượng đơn phương khoảng 500.000 thùng sau khi phương Tây áp trần giá lên dầu Nga.

Theo ước tính của hãng tin Reuters, đợt giảm sản lượng này của OPEC+ nâng tổng mức giảm sản lượng của liên minh lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Động thái mới nhất của OPEC+ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Tổng thống Joe Biden khi cho rằng bước đi này sẽ khiến giá dầu tăng mạnh trong thời gian tới.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định rằng quyết định cắt giảm thêm sản lượng dầu hơn 1 triệu thùng/ngày của OPEC+ không phù hợp điều kiện thị trường hiện tại. Theo ông Kirby, giới chức Washington sẽ làm việc với các nhà sản xuất dầu và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường năng lượng ổn định và không gây ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, ông Kevin Book - giám đốc điều hành của Clearview Energy Partners LLC, cho biết quyết định giảm nguồn cung của liên minh do Ả Rập Saudi và Nga đứng đầu có thể đẩy giá xăng tại Mỹ tăng khoảng 26 xu/gallon.

Giá xăng tại Mỹ trong ngày 2/4 được giao dịch ở mức 3,50 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít. Mức giá này đã giảm khoảng 30% so với mức cao kỷ lục hơn 5 đô la một gallon vào tháng 6/2022.

Hồi tháng 10 năm ngoái, nhóm OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 đến cuối năm nay. Động thái đó đã khiến Chính phủ Mỹ nổi giận vì nguồn cung giảm đẩy giá xăng dầu tăng. Ngay sau đó, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh xả dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) của Mỹ để “hạ nhiệt” giá xăng dầu khi chúng tăng vọt sau khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ.

Giá dầu sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng?

Ngay lập tức, quyết định của OPEC+ đã có ảnh hưởng mạnh tới diễn biến thị trường dầu lửa toàn cầu. Trong phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu Brent chạm mức cao nhất 1 tháng khi leo dốc 5,07% lên tới 83,95 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng cộng 5,17% lên 79,59 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 1.

Trong ngày 3/4, giá dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng khi tăng đến 5,07%, lên 83,95 USD/thùng. Ảnh: AP
Trong ngày 3/4, giá dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng khi tăng đến 5,07%, lên 83,95 USD/thùng. Ảnh: AP

Trước khi OPEC+ đưa ra quyết định giảm sản lượng lần này, giá dầu thô vừa chứng kiến quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, do chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã giảm khoảng 5%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo thị trường dầu mỏ có thể biến động mạnh sau quyết định mới nhất về chính sách sản lượng của OPEC+.

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nói với đài CNBC hôm 3/4: “Kế hoạch giảm mạnh nguồn cung dầu của OPEC+ có khả năng sẽ khiến giá dầu một lần nữa lập mức tăng kỷ lục lên ngưỡng 100 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng vọt sau khi nước này chấm dứt chính sách Zero Covid”.

Cũng có đánh giá tương tự, chuyên gia Bob McNally, chủ tịch Rapidan Energy Group, dự đoán giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng nếu nhu cầu của Trung Quốc quay trở lại mức 16 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay và nguồn cung của Nga bắt đầu giảm do chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Wood Mackenzie, Trung Quốc có thể chiếm 40% nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023.

Trong khi đó, ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sach ngày 3/4 đã nâng dự báo giá dầu Brent có thể đạt 95 USD/thùng trong năm 2023 và 100 USD/thùng năm 2024. Goldman Sach ước tính việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ khiến giá dầu tăng thêm 7%, mang đến doanh thu cao hơn cho vương quốc dầu Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC+.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần