70 năm giải phóng Thủ đô

RCEP: Kỳ vọng kinh tế và hơn thế nữa

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 năm sau ngày chính thức bắt đầu đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) bao gồm 1/3 dân số và gần 30% GDP toàn cầu - nay đã trở thành hiện thực.

Không ít nghi ngại
Trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu bất ổn, do đại dịch Covid-19 và loạt mâu thuẫn thương mại giữa các bên, RCEP không khỏi đối mặt với nhiều nghi ngại về giá trị thực tế, đặc biệt là khi văn bản vẫn còn cần sự phê chuẩn của các bên ký kết để chính thức có hiệu lực. FTA lớn nhất thế giới - bao gồm 10 quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 3 thành viên không thuộc ASEAN và 6 thành viên của khối phê chuẩn hợp lệ.

Với việc nhiều bên ký kết RCEP vốn đã có các hiệp định thương mại song phương với nhau, tài liệu dài 510 trang của hiệp ước ký hôm 15/11 vừa qua được cho sẽ khó dẫn đến việc cắt giảm thuế quan ngay lập tức. Trên thực tế, mức thuế trung bình của các nước ASEAN đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác RCEP đã giảm từ 4,9% của năm 2005 xuống 1,8% vào thời điểm hiện tại. Do đó, như chính Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand thừa nhận: “RCEP không mang lại khả năng tiếp cận thị trường mới đáng kể cho hàng hóa xuất khẩu do kết quả của việc cắt giảm thuế quan”.
 Lễ ký kết hiệp định thương mại RCEP, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức trực tuyến hôm 15/11. Ảnh: AFP
Một lý do khác nữa để hoài nghi là trong một thế giới như ngày nay, các hiệp định thương mại dường như không còn cho thấy nhiều tác động. Chẳng hạn, ký kết song phương giữa Australia - Trung Quốc đã không thể giúp 2 quốc gia này tránh khỏi một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua, với mức thuế quan gia tăng đến 80% theo một lệnh trừng phạt từ Bắc Kinh. Hay các cuộc đàm phán Brexit bế tắc giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) lúc này cũng là một dẫn chứng điển hình.

Cuối cùng là việc Ấn Độ không tham gia ký kết RCEP, trong khi Mỹ tiếp tục vắng mặt trong một hiệp định thương mại mang tính định hình khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi Tổng thống Donald Trump rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Các kế hoạch đối với khu vực của Tổng thống đắc cử Joe Biden hiện chưa thực sự rõ ràng, khiến câu trả lời về cách mà nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phù hợp với khuôn khổ mới vẫn còn bỏ ngỏ.

Thắng lợi lớn nhất: Quy tắc xuất xứ chung

Tuy nhiên nếu nhìn sâu hơn, sáng kiến thương mại của ASEAN thực sự cho thấy những cải tiến đáng kể. Trước hết, xét về phạm vi địa lý, RCEP đã vươn xa hơn cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào năm 2018 giữa 11 quốc gia, qua đó để trở thành một khối lớn hơn bất kỳ FTA nào khác hiện nay. Đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia vào một khu vực thương mại tự do - mục tiêu ấp ủ suốt 15 năm qua của 3 nền kinh tế.

Hơn cả, thắng lợi lớn nhất của RCEP được cho là việc tạo ra một quy tắc chung về chứng nhận xuất xứ, qua đó làm hài hòa các yêu cầu thông tin và tiêu chuẩn nội dung địa phương đối với các DN tại các nước thành viên RCEP. Hiểu một cách đơn giản, RCEP sẽ chỉ có 1 tiêu chuẩn cho tất cả các đối tác thương mại: Bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc trong khu vực đều sẽ được chấp nhận. Chẳng hạn, một nhà xuất khẩu ở Australia sẽ không còn phải lo lắng liệu các bộ phận từ Malaysia có đủ tiêu chuẩn để xuất hàng đến Hàn Quốc hay không.

Theo tính toán của hãng Euler Hermes, quy tắc xuất xứ chung sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa giữa các bên ký kết RCEP trung bình khoảng 90 tỷ USD/năm, tạo cho các công ty động lực để định vị chuỗi cung ứng của họ trong khu vực thương mại, qua đó thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối - vốn đã chiếm gần 3/5 tổng hoạt động thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối chiếu với các tiền lệ, khi quy tắc xuất xứ chung cũng được xem là trọng tâm của cuộc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, cũng như vấn đề Ireland trong Brexit, cho thấy đây là một cải tiến hợp thời của RCEP.

Không chỉ về kinh tế

Stuart Tait, Giám đốc ngân hàng thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC, đã đánh giá: “RCEP có thể là liều thuốc bổ mà châu Á cần để phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra... Thương mại nội Á, vốn đã lớn hơn thương mại của châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng tâm kinh tế về phía châu Á”.

Tuy nhiên, nhiều nhận định tin rằng RCEP không chỉ là một phản ứng đối với những thách thức kinh tế cấp bách, tức thời, mà còn là biểu hiện sinh động cho chủ nghĩa khu vực, tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương vốn đang phải chịu nhiều áp lực. Sự ra đời của RCEP - kết quả của nỗ lực mà ASEAN thực hiện nhiều năm qua, trong khuôn khổ ASEAN+6 - có thể được xem như một tuyên bố rằng các nền kinh tế, ở các mức độ tiến bộ khác nhau, không cần phải phụ thuộc vào những biện pháp dân túy để duy trì độc lập chính trị và chủ quyền của mình.

Thật vậy, các thỏa thuận đa phương luôn có thể được thực hiện để giúp các nước đạt được các mục tiêu kinh tế, đồng thời củng cố quyền tự chủ và độc lập của họ. Nhưng ngược lại, nỗ lực củng cố và tăng cường những hiệp định như RCEP cũng sẽ chịu thách thức bởi loạt vấn đề chính trị ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền trong khu vực. Chẳng hạn, đó là sự phản đối của nhiều nước đối với Trung Quốc trong vấn đề tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ngoài ra còn có những tranh chấp lâu dài giữa các quốc gia RCEP mà đôi khi vẫn nổ ra xung đột, như Nhật Bản - Hàn Quốc, Thái Lan - Campuchia, Australia - Indonesia…

Một bài xã luận đăng trên Asia Times ngày 18/11 cũng lưu ý, một điều có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn chính là vai trò của các cá nhân và tổ chức bên ngoài khu vực, bao gồm cả các cơ quan truyền thông luôn sẵn sàng khai thác các tranh chấp giữa các thành viên RCEP với mục đích làm suy yếu tổ chức. Phải chăng, bản thân RCEP nên chủ động phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp?

Đó có thể là một nhóm những người có tiếng nói từ trong khối, hoặc hình thức họp kín cho các phản ứng sớm để cân nhắc về tranh chấp, cũng như đề xuất các giải pháp cho ban lãnh đạo RCEP. Cùng với đó, việc bổ nhiệm một tổng thư ký RCEP được cho là điều hết sức cần thiết. Người này sẽ tập trung vào chương trình nghị sự chính của khối là phát triển các nền kinh tế của khu vực, nhưng cũng cần có nhận thức sâu sắc về các khuynh hướng chính trị, đóng vai trò là “mỏ neo” của nhóm khu vực trong những năm đầu tiên. Để cuối cùng vẫn là đảm bảo rằng RCEP không trở nên lúng túng và bị động trong mọi tình huống, bởi thành công của hiệp ước được tin sẽ phụ thuộc vào sự lãnh đạo chính trị tập thể của nhóm, là tiền đề cơ bản cho sự phát triển của một trật tự kinh tế toàn cầu mới.

"RCEP có thể là liều thuốc bổ mà châu Á cần để phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra... Thương mại nội Á, vốn đã lớn hơn thương mại của châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng tâm kinh tế về phía châu Á. " - Giám đốc ngân hàng thương mại khu vực châu Á -Thái Bình Dương của HSBC Stuart Tait