Sau Mỹ, Nhật Bản sẽ giải phóng hơn 7 triệu thùng dầu dự trữ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản vừa thông báo nước này sẽ giải phóng 7,5 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp nhằm ổn định thị trường dầu trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đang leo thang.

Nhật Bản sẽ giải phóng 7,5 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp để hạ nhiệt giá dầu. Ảnh: Reuters
Nhật Bản sẽ giải phóng 7,5 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp để hạ nhiệt giá dầu. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 4/3 thông báo, nước này sẽ giải phóng 7,5 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp như một phần trong hành động phối hợp của các thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhằm ổn định thị trường dầu trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.

Bộ trưởng Hagiuda nhấn mạnh Tokyo sẽ phối hợp cùng với các nước trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định trong khi thị trường dầu mỏ đang chịu tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn hôm 2/3, Mỹ và 30 quốc gia thành viên IEA đã đồng ý tung ra 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của các nước nhằm cân bằng thị trường vốn đang chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết nước này sẽ giải phóng 30 triệu thùng trong tổng số 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược mà IEA thống nhất, số còn lại của các quốc gia thành viên khác.

Theo IEA, số lượng 60 triệu thùng dầu được bổ sung ra thị trường sắp tới  chiếm 4% trong tổng số 1,5 tỷ thùng dự trữ khẩn cấp do các thành viên IEA nắm giữ. Đây là lần thứ hai trong lịch sử 47 năm, IEA thống nhất mở kho dự trữ dầu thô chiến lược, sau lần đầu tiên do cuộc nội chiến Libya vào năm 2011.

Mặc dù các nước thành viên IEA đồng ý sử dụng 60 triệu thùng dầu dự trữ, giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 4/3 khi những lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã lấn át khả năng có thêm nguồn cung dầu từ Iran.

Cụ thể, giá dầu Brent cộng 63 xu Mỹ, tương đương 0,6%, lên mức 114,23 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 64 xu Mỹ, khoảng 0,6%, lên 108,31 USD/thùng sau khi có thời điểm chạm mức cao 112,84 USD/thùng.

Thị trường dầu biến động mạnh trước những dấu hiệu cho thấy căng thẳng Nga-Ukraine đang leo thang khi có thông tin về vụ cháy tại một nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Chuyên gia năng lượng Stephen Brennock tại trung tâm giao dịch dầu PVM nhận xét: “Các thương nhân đang gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự tại Ukraine”.

Giá “vàng đen” đã chạm đỉnh trong gần 1 thập kỷ ở phiên giao dịch ngày 3/3 và đang trên đà ghi nhận tuần leo dốc mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu WTI tăng 18%, còn giá dầu Brent leo dốc 13%.

Giá dầu đang trên đà tăng mạnh trước những lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu của Moscow.

Hoạt động giao dịch dầu thô của Nga đang chậm lại khi người mua lưỡng lự do các lệnh trừng phạt, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực phải cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới khi xuất khẩu khoảng 4-5 triệu thùng/ngày. Tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu có thể trầm trọng hơn nếu như chính phủ các nước từ chối nhập khẩu dầu thô của Nga và phải đi tìm các nguồn cung dầu khác thay thế. Hiện Canada là quốc gia duy nhất thông báo về việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần