Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm về đích!

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội năm 2024.

TP đặt mục tiêu đến năm 2024, có khoảng 1.000 DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; có 35 - 40% DN công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam...

Trước đó, Kế hoạch số 94/KH-UBND ban hành năm 2020, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Dễ hiểu khi TP tăng tốc vượt một năm so với kế hoạch ban đầu. Ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất cần phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn.

TP có nhiều lợi thế phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên.

Những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng cũng như lĩnh vực ngành nghề. Đặc biệt, rất nhiều DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

TP luôn sát cánh, đồng hành cùng DN như thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Đồng thời, tổ chức hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cung ứng cho các DN trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu… để DN công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội đủ điều kiện có thể hợp tác với đối tác quốc tế…

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 100 DN đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn lớn, và khoảng 700 DN là nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Riêng Hà Nội có khoảng trên 900 DN công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Cho thấy, kế hoạch đặt ra của Hà Nội hoàn toàn khả thi và sớm về đích, xa hơn đó là cụ thể hóa mục tiêu đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn TP, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, và mục tiêu tăng trưởng GRDP hằng năm.