Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mua tour trọn gói giảm sút khi du lịch tự túc lên ngôi

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3 kết thúc, du lịch Hè đã bước vào chính vụ, thế nhưng tình hình kinh doanh tour trọn gói có phần ảm đạm. Khách chần chừ chưa chốt mua tour mà chủ yếu đặt dịch vụ du lịch tự túc khiến công ty lữ hành lo ngại doanh thu sụt giảm.

Khách hạn chế mua tour trọn gói

Thông tin từ các doanh nghiệp du lịch, xu hướng chung của du lịch Hè năm nay vẫn là khách đi nghỉ dưỡng biển trốn nóng, chủ yếu đến Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Ninh... và đi nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên điểm khác biệt của tour nội địa Hè năm nay, số lượng khách đoàn, khách doanh nghiệp sụt giảm, nhiều khách đợi đến sát ngày đi mới chốt mua tour.

Tổng Giám đốc Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần chia sẻ, tình hình du lịch Hè năm nay ảm đạm ở cả miền Bắc và miền Nam khi số lượng khách đoàn đặt mua tour giảm, không mua tour cao cấp như các năm trước. “Tình hình đặt tour trọn gói Hè năm nay tại nhiều doanh nghiệp lữ hành không đạt kế hoạch. Sức mua giảm mạnh ở tour sử dụng máy bay tới các điểm đến du lịch đường xa như Phú Quốc, Nha Trang” - bà Nhữ Thị Ngân thông tin.

Khách du lịch tắm biển. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tắm biển. Ảnh: Hoài Nam

Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan thừa nhận, lượng khách du lịch của công ty Hè này chỉ bằng 40-50% so với mọi năm, lượng khách đoàn cũng kém khả quan. Nếu như trước đây khách đặt mua tour trước ngày khởi hành từ 3-5 tuần, thì hiện đa phần khách quyết định xuống tiền đặt tour trước ngày khởi hành 1 tuần. Với tour quốc tế khách thường đặt trước 3-5 tuần, trong khi trước đó thường đặt sớm 2-3 tháng.

“Rất có thể thị trường du lịch Hè năm nay sẽ không tăng trưởng cao như hè 2022” - ông Nguyễn Công Hoan dự báo.

Phân tích nguyên nhân khiến sức mua tour trọn gói trầm lắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, sau thời gian dài đi du lịch, du khách đã có kinh nghiệm hơn và cùng với sự phát triển của công nghệ, khách có thể tự thu xếp cho chuyến đi mà không cần nhờ đến công ty lữ hành sắp đặt dịch vụ.

Khách du lịch tham quan Cồn Chim (Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Cồn Chim (Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Thêm vào đó, hệ thống đường bộ, đặc biệt đường cao tốc nối với các điểm du lịch đã mở rộng hơn trong thời gian gần đây, nên nhiều gia đình cắt giảm chi phí mua vé máy bay, và thường chọn các hành trình gần để di chuyển bằng xe cá nhân nên lượng khách đặt mua tour giảm.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài thông tin, xu hướng của du khách Việt Nam đã thay đổi theo hướng du lịch tự túc, hạn chế hình thức đi tour trọn gói.

“Kết quả khảo sát về xu hướng du lịch gần đây cho thấy, vào năm 2021, sau thời điểm dịch được kiểm soát, số người chọn tour trọn gói là 8%, du lịch tự túc là 92%. Năm 2022, tỷ lệ chọn du lịch tự túc là 90% và thời điểm hiện tại là 79%” - ông Nguyễn Văn  Tài dẫn chứng

Doanh nghiệp thay đổi phù hợp thực tế

Trong bối cảnh du lịch tự túc được du khách hướng tới, để thu hút khách các doanh nghiệp đang phải thay đổi cách thức phục vụ phù hợp thực tế nhằm tăng doanh số.

Khách du lịch tham quan Tháp Bà Ponagar (Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Tháp Bà Ponagar (Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty du lịch Sunsmiletravel Dương Thanh Hằng cho biết, trước đây đa số các đơn vị tìm cách thu hút khách đoàn thì nay đẩy mạnh cả khách lẻ, bán thêm combo vé máy bay, đặt phòng khách sạn. Đồng thời tư vấn thêm lộ trình, nhà hàng, dịch vụ kèm theo để khách hàng có nhiều lựa chọn, cung cấp thêm dịch vụ làm visa quốc tế.

Thực tế cho thấy để đáp ứng xu hướng du lịch mới của du khách, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phát triển dịch vụ “free and easy”. Đây là gói dịch vụ kết hợp giữa dịch vụ hàng không cùng dịch vụ mặt đất như vé máy bay, khách sạn, xe đón, tiễn ở sân bay với chi phí tốt hơn so với giá mà khách hàng mua đơn lẻ. Các đơn vị cũng chủ động mở tour giá tốt khởi hành trong ngày thường, sẵn sàng tổ chức ghép tour, đặt xe, khách sạn… để hút khách.

Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy chia sẻ, để phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ nhưng không mua tour trọn gói, đơn vị đã làm việc với đối tác khách sạn để có giá dành riêng cho khách lẻ đặt phòng với mức tương đương khách đoàn. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với hàng không để đưa ra nhiều gói du lịch cho các nhóm nhỏ với giá thấp hơn 20-30% so với khách tự đặt. Nếu khách đi du lịch bằng xe tự lái, công ty cho thuê xe hoặc bán dịch vụ tại điểm đến như tour tham quan tự chọn, khách sạn…

“Hiện nay, trang web của công ty đã có hai mục mới để khách đặt hàng là dịch vụ khách sạn và gói dịch vụ khách sạn, gồm gói khách sạn – vé máy bay, khách sạn – xe. Vietravel cũng đã tổ chức tour cho các nhóm nhỏ, đi theo ngày yêu cầu của khách và có thể tự điều chỉnh chương trình, dịch vụ theo sở thích” - ông Phạm Văn Bảy chia sẻ.

Khách du lịch tham quan tháp Trầm Hương (Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan tháp Trầm Hương (Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam

Tương tự Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho hay, công ty gần như đã thiết kế lại hầu hết tour đường bộ để có thể bán được những dịch vụ “rất lẻ” như vé máy bay, khách sạn. Doanh nghiệp không chỉ cung cấp các dịch vụ ăn uống, khách sạn tại điểm đến mà còn bán từng chiếc vé xem biểu diễn, vé đi tàu ngầm ngắm san hô ở điểm đến hay dịch vụ xe cho khách sử dụng một đoạn trong hành trình của tour trọn gói.

Mặc dù các doanh nghiệp đã đa dạng cách thức thu hút khách, tuy nhiên theo các chuyên gia du lịch để có thể đáp ứng mọi yêu cầu của du khách đòi hỏi cái “bắt tay” kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành với đơn vị cung ứng dịch vụ qua đó đưa ra mức giá hợp lý nhất cho khách hàng.