Tại thượng đỉnh Putin-Biden, Mỹ kỳ vọng Nga “hạ nhiệt” căng thẳng vì vấn đề Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington hy vọng Moscow sẽ lựa chọn giải pháp giảm leo thang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine và rút lực lượng quân đội khỏi biên giới với Kiev.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm trực tuyến vào tối ngày 7/12.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 5/12, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Thụy Điển trước thềm cuộc hội đàm trực tuyến sắp tới giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ hy vọng rằng phía Moscow sẽ phát tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao liên quan đến vấn đề Ukraine.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, trong cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, ông đã nhấn mạnh mong muốn này, đồng thời hy vọng hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thu hẹp được những bất đồng.
Ông Blinken khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các bên có liên quan thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Minsk, đồng thời nhấn mạnh đây là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột tại Donbas, miền đông Ukraine.
Trước đó, hãng tin Reuters hôm 5/12 đưa tin người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra vào tối ngày 7/12. Theo đó, quan hệ song phương, vấn đề Ukraine và tiến trình thực thi những thỏa thuận đã đạt được ở Geneva là những nội dung chính trong chương trình nghị sự.
Trước đó hôm 3/12, ông Yuri Ushakov - Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, cho biết trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ sắp tới, tổng thống hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề song phương và những chủ đề trong chương trình nghị sự quốc tế liên quan đến Afghanistan, Iran, cuộc khủng hoảng nội bộ ở Ukraine, Libya và có thể là cả về Syria.
Cố vấn Ushakov nói thêm rằng các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về "tiến bộ trong đối thoại về ổn định chiến lược". Theo ông Ushakov, các vấn đề liên quan đến NATO cũng sẽ được đưa ra bàn đàm phán. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga dự kiến sẽ thảo luận về các hiệp định pháp lý về việc loại trừ sự mở rộng hơn nữa về phía đông của NATO.
Ngoài ra, ông Ushakov cũng không loại trừ khả năng các Tổng thống Putin và Biden có thể đề cập đến tình hình thị trường dầu mỏ và các vấn đề khác, bao gồm đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki nói rằng Tổng thống Biden sẽ bày tỏ lo ngại của Mỹ, cũng như các đồng minh NATO về các hoạt động quân sự gần đây của Nga ở biên giới Ukraine, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Cuộc nói chuyện gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ là vào tháng 7 vừa qua khi Washington hối thúc Moscow kiềm chế các băng nhóm tội phạm mạng có trụ sở tại Nga tấn công nhằm vào Mỹ.
Trên thực tế, cuộc gặp ở Stockholm vào tuần trước giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, sự kiện được xem là chuẩn bị cho cuộc thảo luận cấp cao sắp tới giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra căng thẳng với những lời cảnh báo. Tuy nhiên, hai bên cũng tuyên bố mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua ngoại giao nhằm tránh kịch bản “ác mộng” về cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. 
Hồi tuần trước, Kiev và một số nước phương Tây bày tỏ quan ngại về sự gia tăng quân sự mà họ mô tả là “những hành động gây hấn” của Nga tại khu vực biên giới của Nga với Ukraine.
Moscow bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh rằng đó là một hành động chuyển quân trong phạm vi lãnh thổ của Nga và theo quyết định của riêng nước này, không gây ảnh hưởng và đe dọa bất kỳ quốc gia nào. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những cáo buộc của Ukraine và các nước phương Tây là vô căn cứ./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần