Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tận dụng cơ hội từ “đại bàng” Mỹ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phái đoàn 52 DN Mỹ gồm các công ty quốc phòng, dược phẩm, công nghệ, bán dẫn, tài chính, năng lượng, giải trí, du lịch… đã đến làm việc tại Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Sản xuất cánh tà cho máy bay Boeing  tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất cánh tà cho máy bay Boeing tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Phái đoàn 52 DN Mỹ gồm các công ty quốc phòng, dược phẩm, công nghệ, bán dẫn, tài chính, năng lượng, giải trí, du lịch… đã đến làm việc tại Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh. Trong đó, có những tên tuổi lớn như: Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta, Amazon… hay các công ty đã hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam như: Coca-Cola, PepsiCo, Apple…

Chuyến đi này của các DN Mỹ thể hiện sự quan tâm lớn đến cơ hội hợp tác với Việt Nam, một nền kinh tế tăng trưởng đến 8% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Ngoài tiềm năng tăng trưởng, dân số và sức mua của thị trường cũng là những mặt lợi thế của Việt Nam. Tính chung từ trước đến nay, theo Bộ KH&ĐT, đầu tư từ xứ cờ hoa vào Việt Nam có khoảng hơn 1.200 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 11,4 tỷ USD, xếp thứ 11 trong tổng số các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi Việt Nam hiện tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số, xã hội số - đây vốn là những vấn đề được phía Mỹ rất quan tâm.

Đang có hàng nghìn tỷ USD được kỳ vọng từ phái đoàn DN Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam. Cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của DN nước này đối với Việt Nam và các nước ASEAN, trong bối cảnh Mỹ đang thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng tự chủ, an toàn và tìm kiếm điểm đầu tư mới.

"Nhà đầu tư số 1", "nhà đầu tư chiến lược" là những cụm từ thường được nhắc đến khi nói về Mỹ, sau khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2000. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Mỹ sẽ không chỉ như con ong đi “hút mật”, mà còn “thụ phấn”, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các DN “đại bàng” Mỹ cho biết, sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại, năng lượng xanh, logistics, hoạt động nghiên cứu và phát triển... Đây là cơ hội để chúng ta có được nguồn đầu tư FDI chất lượng cao. Chính phủ, các DN cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội bởi không chỉ Việt Nam, nhiều đối thủ nặng ký khác cũng đang rất sẵn sàng.

Cách đây ít ngày, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023, các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng chính sách thiếu nhất quán, thủ tục phức tạp, kéo dài đang làm tăng chi phí cho DN. Một thách thức lớn khác là Việt Nam chưa sẵn sàng nguồn nhân lực cao cấp trong lĩnh vực công nghệ liên quan đến máy bay, tàu vũ trụ… Để cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công…

Nâng cao hơn nữa môi trường đầu tư thông qua việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi là công bằng, minh bạch, có thể dự đoán được; xây dựng môi trường pháp lý hợp lý. Đẩy mạnh khai phá tiềm năng của nền kinh tế số. Cùng với đó phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu; cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư...