Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng chế độ chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mất việc, cắt giảm việc khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao là hiện tượng đáng báo động. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tập trung tìm ra nguyên nhân để có những cải cách về chính sách bảo hiểm xã hội.

Bộ LĐTB&XH cho biết, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong 11 tháng của năm 2023 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện trong số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,515 triệu người, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,304 triệu người. Bộ LĐTB&XH ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động. Ảnh minh họa.
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội lại có xu hướng tăng chậm; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong 10 tháng của năm 2023, cả nước đã có hơn 947.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong giai đoạn 2016 – 2022, cả nước đã có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần (nữ rút bảo hiểm xã hội một lần chiếm gần 55%). Tốc độ rút bảo hiểm xã hội một lần tăng trung bình khoảng 12,3%, trong khi tốc độ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chỉ tăng khoảng 5 – 6%.

Nguyên nhân được Bộ LĐTB&XH chỉ ra là tại một số địa phương, công tác phối hợp trong truyền thông và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả. Một nguyên nhân khác là mất việc, cắt giảm việc làm khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.

Trước tình hình này, tại Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, ngày 26/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng trong thời gian gần đây là một hiện tượng rất đáng báo động. Vì thế, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cần phải tập trung đưa ra những nguyên nhân để có các cải cách về chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, làm sao để người lao động có lòng tin khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Trước đó, ngày 23/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về bảo hiểm xã hội. Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu có lương hưu. Do vậy, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.

Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần có quy định tăng chế độ chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động, thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm xã hội của họ.

Bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Chính phủ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người lao động.