Tết an vui

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân đã về trên khắp phố phường Hà Nội, Tết Nguyên đán Quý Mão đã cận kề trước ngõ. Năm nay, cả nước nói chung cũng như mỗi người dân Thủ đô đón Tết cổ truyền với một tâm trạng rất đặc biệt...

Bởi sau hơn hai năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, đời sống kinh tế - xã hội đã dần trở lại nhịp độ bình thường mới.Trước những niềm vui Xuân mới, hơn lúc nào hết, thông điệp về một cái tết an vui mọi mặt tiếp tục được nhắc đến.

Nhịp sống những ngày cận Tết dường như nhanh hơn, gấp gáp hơn, những tất bật, nhộn nhịp thể hiện rõ trên những con đường nườm nượp người xe qua lại. Phố xá tưng bừng bởi hàng hóa Tết, bởi các chợ hoa và trong cả những niềm vui của người dân khi được trở lại nhịp điệu của một cái Tết thường nhật. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui Xuân, đón Tết năm nay cũng nhiều hơn, phong phú hơn. Người dân lại khấp khởi đợi đến đêm giao thừa để được đón những màn pháo hoa mừng năm mới sáng rực bầu trời Hà Nội, chào đón một năm mới nhiều ước vọng mới.

Trong những kế hoạch đón Tết của mỗi người, mỗi nhà dù khác nhau, nhưng đều mừng bởi kinh tế - xã hội năm vừa qua đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, không ít khó khăn do tác động của đại dịch dường như vẫn còn hiện hữu nhưng những nỗ lực vượt thách thức vẫn mang đến cho người dân nhiều kỳ vọng. Và thực tế cũng cho thấy, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, đời sống người dân ổn định, an sinh được đảm bảo. Trong những ngày cận Tết, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, đảm bảo các điều kiện cho người dân đón Tết. Nhưng trên hết, tinh thần an toàn khi di chuyển, vui chơi và trong các hoạt động đón Tết, tiết kiệm trong tiêu dùng vẫn luôn được nhắc nhở liên tục, để không chỉ đảm bảo cho một mùa Xuân bình an mà còn hướng tới cái Tết xanh, không phung phí.

Trong không khí Tết đến, Xuân về rộn ràng ấy, những tình cảm ấm áp, nghĩa tình vẫn luôn đủ đầy, những phần quà Tết đã và đang tiếp tục được các cấp, các ngành, đoàn thể chuyển đến tay các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; các chương trình chăm lo Tết cho người nghèo cũng được triển khai trên khắp mọi miền; chương trình “Tết sum vầy”; hỗ trợ xe miễn phí đưa công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết cũng giúp đỡ phần nào những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả đều mong muốn mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Sự bình ổn của đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với chính sách chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, lao động… được kỳ vọng sẽ là tiền đề, nền tảng quan trọng tạo nên một mùa Tết an vui cho người dân. Trong không khí ấy, những thông điệp về việc không chủ quan trước dịch bệnh vẫn được liên tục nhắc nhở, bởi diễn biến của Covid-19 vẫn khó lường “sức khỏe vẫn là món quà quý nhất chúng ta có thể dành cho nhau trong dịp Tết”. Có thể nói rằng, đón không khí đoàn viên ngày Tết, việc tuân thủ các quy định phòng dịch, chung tay cùng cộng đồng để giữ vững thành quả hôm nay vẫn là hành động thiết thực nhất lúc này. Bởi với mỗi hành động đúng, dù nhỏ thôi, nhưng chính là cách tốt nhất để giúp chính mình, mọi người và mọi nhà luôn luôn có được những cái Tết an vui, an toàn như hiện tại, để đón một mùa Xuân ấm áp và nhiều hy vọng vào năm mới bình an hơn, sung túc hơn.

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần