Thách thức kép của Fed: kiềm chế lạm phát hay đáp ứng yêu cầu của ông Trump?
Kinhtedothi - Trong cuộc họp chính sách tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan khi phải giải quyết lạm phát dai dẳng và kinh tế giảm tốc, cũng như mong muốn chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ Tổng thống Donald Trump.
Kỳ vọng khác biệt giữa Fed và Nhà Trắng
Dù nền kinh tế Mỹ đang cho thấy một số tín hiệu tăng trưởng chậm lại trong 3 tháng đầu năm nay, phần lớn giới phân tích không kỳ vọng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 7/5.
Tổng thống Mỹ Donanld Trump đã bày tỏ quan điểm về việc mong muốn Fed hạ lãi suất sớm nhằm ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng tiềm tàng từ chính sách thương mại.
Đồng thời, người đứng đầu Nhà Trắng cũng không hài lòng với sự thận trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Tháng trước, ông Powell nói rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ "chờ đợi sự rõ ràng hơn" trong khi cân nhắc cả hai mục tiêu của Fed, đó là ổn định giá cả và toàn dụng lao động.

Fed được dự đoán sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tuần này. Ảnh: federalreserve.gov
Quan điểm của Tổng thống Trump xuất phát từ lo ngại rằng các rào cản thương mại và các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu có thể làm giảm hoạt động kinh tế. Trong khi đó, lãnh đạo Fed khẳng định, tác động thực tế cần được đánh giá dựa trên các số liệu kinh tế cụ thể.
Trong khi đó, các báo cáo về nền kinh tế, việc làm và lạm phát được công bố vào tuần trước đã củng cố thêm thách thức của Fed khi họ tìm kiếm các mô hình trong dữ liệu.
Theo dữ liệu GDP mới nhất, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã suy giảm lần đầu tiên sau 3 năm trong quý 1/2025, chủ yếu là do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu trước thời điểm Tổng thống Trump công bố gói thuế đối ứng.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 4 mới công bố cũng cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ ngay cả trong những tuần sau khi thông báo thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump làm rung chuyển thị trường.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - dữ liệu lạm phát ưa chuộng của Fed, đã giảm nhẹ xuống còn 2,6% trong tháng 3, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Một số chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát sẽ tăng cao hơn và tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm sâu hơn nữa trong những tháng tới.
Fed tiến thoái lưỡng nan
Chuyên gia Wilmer Stith - Giám đốc danh mục trái phiếu của Wilmington Trust, đánh giá, thách thức lớn nhất đối với Fed là phải tìm được lời giải cho bài toán lạm phát cao hơn mức mục tiêu 2% và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Nhà kinh tế trưởng Luke Tilley của Wilmington Trust cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi trong lập trường của Fed tại cuộc họp chính sách tuần này. Thay vào đó, Chủ tịch Fed Powell có thể sẽ nhắc lại sự căng thẳng giữa vấn đề tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn.
Ông Tilley dự đoán đến cuối năm, nếu đà tăng trưởng yếu đi rõ rệt, Fed có thể phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn so với dự báo hiện tại.
Nhưng ông không nghĩ Fed sẽ cắt giảm lãi suất cho đến khi tăng trưởng kinh tế thực sự giảm. Điều đó có thể dẫn đến căng thẳng hơn nữa giữa Chủ tịch Fed và Tổng thống Trump.
Đồng quan điểm trên, giáo sư Jeremy Siegel thuộc Trường Kinh doanh Wharton hôm 5/5 cho biết: “Mọi ánh mặt sẽ đổ dồn về cuộc họp chính sách của Fed và Chủ tịch Jerome Powell vào thứ Tư tuần này, nhưng hầu như không ai kỳ vọng có một đợt hạ lãi suất nào. Ông Powell sẽ không làm gì cả” - ông Siegel nói, ám chỉ rằng Chủ tịch Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách hiện tại.
Theo ông Siegel nếu không đạt được điều mình muốn, ông Trump sẽ đẩy mạnh chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Fed Powell.
Hiện giới đầu tư đang đặt cược gần như chắc chắn – với xác suất tới 98% – rằng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp chính sách diễn ra từ ngày 6-7/5.
Giáo sư Siegel nhận định, lập trường thận trọng của Chủ tịch Powell là có cơ sở, nhưng dự báo các luồng ý kiến trái chiều từ phía chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục gia tăng.
“Tôi nghĩ các cuộc tranh luận xung quanh chính sách lãi suất sẽ còn tiếp tục,” ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng sự rõ ràng về triển vọng thương mại và tăng trưởng là yếu tố then chốt để Fed ra quyết định trong thời gian tới.
Kết thúc cuộc họp chính sách vào tháng 3 vừa qua, Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25-4,5%, do lo ngại rằng các chính sách thuế quan có thể khiến lạm phát tăng cao. Một tháng sau đó, Chủ tịch Fed Powell cảnh báo rằng các mức thuế mới của Mỹ có thể gây ra áp lực lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Fed “ra tay” cứu kinh tế, chuyên gia cảnh báo chớ “đổ thêm dầu vào lửa”
Kinhtedothi - Thị trường đang kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất khẩn cấp từ Fed, song các chuyên gia cho rằng quyết định này có thể khiến thị trường thêm hoảng loạn thay vì trấn an tâm lý giới đầu tư.

Căng thẳng đối đầu giữa ông Trump và Fed
Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, những cuộc đối đầu giữa Tổng thống Donald Trump và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Jerome Powell tiếp tục gây chú ý, đưa nền kinh tế Mỹ vào viễn cảnh bất an.

Phố Wall bùng nổ khi ông Trump bác tin sa thải Chủ tịch Fed
Kinhtedothi - Sự kỳ vọng vào khả năng hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cộng thêm việc ông Trump rút lại lời đe dọa sa thải Chủ tịch Fed đã giúp thị trường Phố Wall tăng vọt sau chuỗi ngày ảm đạm.