•  Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2

Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc – xin phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở nhiều nước với biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Đại dịch đã gây đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu, làm tăng giá nguyên vật liệu sản xuất, là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nước.

Tại Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới – Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Dà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và sự phát triển kinh tế của đất nước.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 3

Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cùng với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; sự đồng lòng nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Sau đây là kết quả của một số hoạt động kinh tế chủ yếu của Việt Nam trong năm 2021.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 4

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 tăng 2,58% so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi ngành kinh tế. Đặc biệt là trong qúi III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Thực tế là, trong 4 quí của năm 2021, GDP của các quí I, II và IV đều có mức tăng trưởng cao hơn so với các quí I, II và IV năm 2020. Tuy nhiên, do GDP của Quí III/2021 giảm tới 6,02% so với năm2020 đã làm cho tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 thấp hơn so với năm trước.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 5

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05% (cao nhất trong số 3 khu vực kinh tế) đóng góp 63,8%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 6

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi và có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực cho giá trị kinh tế cao nên mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng ngành nông nghiệp vẫn ổn định sản xuất đạt mức tăng trưởng cao. Kết quả là, ngành nông nghiệp tăng 3,18%, cao hơn so với năm 2020 (2,55%); ngành lâm nghiệp tăng 2,9% cao hơn so với năm 2020 (2,82%); ngành thủy sản tăng 1,73% thấp hơn so với năm 2020 (3,08%). Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 7

Nông nghiệp

Trồng trọt

Về cây lương thực, rau màu. Diện tích trồng lúa năm 2021 đạt 7,24 triệu ha, giảm 38,3 nghìn ha so với năm 2020 do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất nhưng do năng suất tăng hon so với năm trước tới 1,8 tạ/ha nên sản lượng lúa đã đạt 43,88 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020. Sản lượng ngô đạt 4,43 triệu tấn,  giảm 2,9% so với năm 2020; lạc đạt 426,9 nghìn tấn, giảm 9,5%; khoai lang đạt 1,22 triệu tấn, giảm 11,2%; rau, đậu đạt 18,4 triệu tấn, tăng 1,7%.

Diện tích trồng cây công nghiệp năm 2021 đạt 2.209,9 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2020. Cao su đạt sản lượng 1.260,1 nghìn tấn, tăng 2,8% so với năm trước; cà phê đạt 1.816 nghìn tấn, tăng 3%; điều hạt đạt 383,3 nghìn tấn tăng 10%; hồ tiêu đạt 280,3 nghìn tấn, tăng 3,7%; chè búp đạt 1.087,2 nghìn tấn, tăng 2,7%.  Cần lưu ý rằng, trong số các cây công nghiệp, Hồ tiêu và chè tuy diện tích giảm so với năm 2020 (tương ứng là –2,7 và -0,%) nhưng sản lượng hai loại cây này đều tăng lên.

Nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá ở hầu hết các loại cây. Cam đạt 1.545,9 nghìn tấn, tăng 33,2% so với năm 2020; bưởi đạt 1.006,9 nghìn tấn, tăng 8%; xoài đạt 938,2 nghìn tấn, tăng 4,9%; xầu riêng đạt 693,8 nghìn tấn, tăng 18%; vải đạt 386,6 nghìn tấn, tăng 22,6%; nhãn đạt 602,8 nghìn tấn, tăng 6,1%; dứa đạt 737,3 nghìn tấn, tăng 3,6%.

Chăn nuôi

Chăn nôi trâu, bò, trên cả nước nói chung ổn định do dịch bệnh được kiểm soát. Chăn nuôi lợn và gia cầm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy vậy ngành chăn nuôi trong năm 2021 vẫn đạt kết quả khả quan. Thịt lơn hơi xuất chuồng đạt 4.180,2 nghìn tấn, tăng 3,6% so với năm 2020; thịt gia cầm đạt 1.940,9 nghìn tấn, tăng 3,2%; thịt trâu đạt 120,9 nghìn tấn, tăng 0,5%; thịt bò đạt 458,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; trứng đạt 17.530,4 triệu quả, tăng 5,1%; sữa đạt 1.159,3 nghìn tấn, tăng 10,5%.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 8

Lâm nghiệp

Năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 277,8 nghìn ha, tăng 2,8% so với năm 2020. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 triệu cây, tăng 3%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4%. Sản lượng củi khai thác đạt 18,8 triệu  ste, giảm 1,6%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2021, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2.081 ha, tăng 29,3% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần năm 2020; diện tích rừng bị chặt, phá là 852 ha, giảm 6,2%.

Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 8.726,6 nghìn tấn, tăng 1% so với năm 2020, bao gồm: cá đạt 6.295,2 nghìn tấn, tăng 0,1%; tôm đạt 1.136,4 nghìn tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác đạt 1.295 nghìn tấn, tăng 2,6%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2021 đạt 3.259,1 nghìn tấn, tăng 1% so với năm 2020, bao gồm: cá đạt 3.259,1 nghìn tấn, giảm 0,8%; tôm đạt 987,5 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 559,2 nghìn tấn, tăng 5,4%.

Sản lượng thủy sản khai thác năm 2021 đạt 3.920,8 nghìn tấn, tăng 0,9% so với năm trước, trong đó: cá đạt 3036,1 nghìn tấn, tăng 1%; tôm đạt 148,9 nghìn tấn, tăng 1,2%; thủy sản khác đạt 735,8 nghìn tấn, tăng 1,2%. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.726 nghìn tấn, tăng 10,9% so với năm 2020, bao gồm: cá đạt 2.903,5 nghìn tấn, tăng 1%; tôm đạt 137,7 nghìn tấn, tăng 1,2%.

Công nghiệp

Mặc dù phần lớn các trường hợp dương tính với Covid-19 được phát hiện trong năm 2021, đặc biệt là khi bùng phát đợt dịch thứ tư là ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng do có những chính sách phòng chống dịch kịp thời và phù hợp của chính phủ, nhiều khu công nghiệp thực hiện chính sách “3 tại chỗ”, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ – CP của Chính phủ ban hành qui định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, kết quả sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2021rất khả quan.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 9

Tốc độ tăng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2021 tăng 4,05% so với năm 2020, cao hơn nhiều so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (2,90%) cũng như khu vực dịch vụ (1,22%). Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn tăng 4,8% so với năm 2020 (quí I tăng 6,7%; quí II tăng 12,4%; quí III giảm 4,9%; quí IV tăng 6,4). Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp cũng có kết quả tương tự (cả năm tăng 4,82% so với năm trước; quí I tăng 6,44%; quí II tăng 11,184%; quí III giảm 4,4%; quí IV tăng 6,52).

Chỉ số sản xuất của các của các ngành trong toàn ngành công nghiệp theo 4 quí  như sau:

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 10

Ngành chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế có IIP tăng 6%. (trong đó quí I tăng 8%; quí II tăng tới 11,8%; quí III giảm 5,1%; quí IV tăng 7,8%). Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 2 lĩnh vực sản xuất có IPP tăng trên 10% so với năm 2020 là: sản xuất kim loại tăng: 22,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%. Tuy nhiên cung có 2 lĩnh vực sản xuất có IPP giảm trên 10% là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 17,9% và sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 11,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao (trên 10%) trong năm 2021 so với năm 2020 như: thép cán tăng 33,5%; linh kiện điện thoại tăng 29,5%; xăng, dầu tăng 14,4%; sữa bột tăng 13,1%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 10,9%. Tuy nhiên, cũng có 2 sản phẩm giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm trước (tivi giảm 38,6%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%).

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 11

Trong vòng 2 năm qua, khu vực dịch vụ bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 nhất là từ cuối tháng Tư năm nay nên tốc độ tăng của khu vực kinh tế này luôn thấp hơn nhiều so với hai khu vực còn lại. Tốc độ tăng GDP của khu vực dịch vụ chỉ tăng có 1,22% so với năm 2020, chưa bằng một phần ba so với khu vực công nghiệp và xây dựng. Chỉ từ khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế mới dần khôi phục trở lại, tổng sản phẩm trong nước trong quí IV/2021 của khu vực này mới tăng lên đáng kể. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP Quí IV năm 2021 của khu vực dịch vụ tăng tới 5,42%, cao hơn  tốc độ tương ứng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tới 2,16 điểm phần trăm (3,16%) và chỉ thấp hơn khu vực công nghiệp và xây dựng có 0,16 điểm phần trăm (5,61%).

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 12

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm 2020 còn nếu loại trừ yếu tố giá mức giảm còn cao hơn, lên tới 6,2%, trong đó dịch vụ lữ hành năm 2021giảm tới 59,9%;  dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 19,3%;  dịch vụ khác giảm 16,8%. Trong khu vực dịch vụ chỉ có tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng được 0,2% so với năm trước.

Năm 2021, vận tải hành khách giảm 33% so với năm 2020 còn luân chuyển hành khách giảm 42%. Vận tải hành khách trong nước giảm 32,9%, luân chuyển hành khách trong nước giảm 38,5%. Vận tải hành khách ngoài nước giảm tới 96,2%, còn luân chuyển hành khách ngoài nước cũng giảm 95%. Vận tải hàng hóa giảm 8,7% trong khi luân chuyển hàng hóa 1,8%.

Khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2021 giảm tới 95,9% so với năm 2020, trong đó khách đến bằng đường hàng không (chiếm tới 70,6% lượng khách quốc tế đến nước ta) giảm 96,4% so với năm trước; bằng đường bộ giảm 92,5%; bằng đường biển giảm 99,6%. Khách quốc tế đến Việt Nam từ Châu Á (chiếm 84,5% tổng lượng khách) trong năm 2021 giảm 95,3%; đến từ châu Âu giảm 97,6%; đến từ châu Úc giảm 98,8% và đến từ châu Phi giảm 88,6% so với năm trước.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 13

Năm 2021 ghi nhận những thành tựu to lớn của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế nước ta cũng như thế giới vẫn chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm trước (tăng tới 124,6 tỷ USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu hàng hóa đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 xuất siêu 4 tỷ USD.

Trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 336,25 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất là: điện thoại và linh kiện (57,536 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (51,013 tỷ USD); và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (38,346 tỷ USD). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.

 Thành tựu kinh tế Việt Nam giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 14

Trong kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 332,25 tỷ USD năm 2021, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2021 đạt 3,67 tỷ USD, giảm 51,7% so với năm 2020, trong đó dịch vụ du lịch đạt 149 triệu USD, giảm 95,4%; dịch vụ vận tải đạt 446 triệu USD, giảm 61,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2021 đạt 19,41 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2020 (dịch vụ du lịch: 3,63 tỷ USD – giảm 21,3%; vận tải: 9,99 tỷ USD – tăng 34,2%. Nhập siêu dịch vụ năm 2021 là 15,73 tỷ USD, tăng 31,1% so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đặt mục tiêu qui mô GDP bình quân đầu người ở mức 3900 USD với tốc độ tăng GDP là 6-6,5%. Với sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, chỉ tiêu của Quốc hội đã thông qua là hoàn toàn khả thi.

Ảnh: Phạm Hùng - Ngọc Tú - Trình bày: Ngọc Minh

08:30 05/01/2022