Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới lao đao vì đất hiếm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ cuối tháng 9, khi quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng vì tranh chấp trên biển Hoa Đông, dường như Bắc Kinh đã sử dụng đất hiếm như một thứ vũ khí để gây sức ép lên Tokyo khiến chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan phải vội vàng tìm cách đối phó.

KTĐT - Từ cuối tháng 9, khi quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng vì tranh chấp trên biển Hoa Đông, dường như Bắc Kinh đã sử dụng đất hiếm như một thứ vũ khí để gây sức ép lên Tokyo khiến chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan phải vội vàng tìm cách đối phó.

Đất hiếm - tập hợp của 17 nguyên tố hoá học là nguyên liệu không thể thiếu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như màn hình tinh thể lỏng, máy nghe nhạc, ô tô thân thiện môi trường, tên lửa,... Mặc dù một số quốc gia như Nga, Mông Cổ, Ấn Độ, Brazil có trữ lượng đất hiếm khá dồi dào, nhưng Trung Quốc là quốc gia chiếm tới 95% sản lượng đất hiếm do giá thành rẻ.


Hôm 24/10, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akihiro Ohata đã tỏ ý lo ngại rằng: việc ngừng trệ vận chuyển các kim loại đất hiếm có thể làm tổn hại đến nền kinh tế của cả hai quốc gia. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Tương Diệu Bình lại giải thích "việc gia tăng vận chuyển trái phép" đã buộc cơ quan chức năng Trung Quốc phải tăng cường thủ tục kiểm tra hải quan. Trước đó, ngày 20/10, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục xuất khẩu đất hiếm nhưng "Bắc Kinh sẽ có các biện pháp hạn chế việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm để bảo vệ nguồn tài nguyên đang cạn kiệt này". Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) cũng nhấn mạnh Trung Quốc "không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và không dùng đất hiếm làm vũ khí chính trị".


Tuy nhiên, những phát biểu mang tính trấn an này từ phía chính quyền Bắc Kinh không làm Nhật Bản và các nước nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc an tâm. Trong bài "Trung Quốc khai hỏa cuộc chiến đất hiếm", báo Le Figaro (Pháp) cho biết, Nhật Bản, nước nhập khẩu đến gần 60% lượng đất hiếm từ Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nhất. Liên đoàn Công nghiệp Đức (FGI) cho biết, mỗi năm Đức nhập khoảng 3.000 - 5.000 tấn đất hiếm, chủ yếu từ Trung Quốc. Tờ New York Times cho rằng, Trung Quốc đang muốn sử dụng đất hiếm để giải quyết các tranh chấp thương mại với phương Tây. Để trả đũa cuộc điều tra của Washington về vấn đề trợ cấp không hợp lệ cho ngành công nghiệp xanh ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã siết chặt hạn ngạch đất hiếm sang Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng con bài điều tiết nguồn đất hiếm để gây sức ép với các đối tác.


Động thái trên của Trung Quốc đã đẩy giá đất hiếm lên cao kỷ lục và khiến các nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu này lao đao tìm nguồn cung thay thế. Hàn Quốc đã nghĩ đến khả năng hợp tác tay ba với TokyoWashington để tìm nguồn cung ứng khác ngoài Trung Quốc. Đức cũng đã ban hành một loạt biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng đất hiếm, như đặt mua tại Mỹ, Namibia hay Mông Cổ. Còn Nhật Bản lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung bằng cách mua thêm đất hiếm từ một số nhà sản xuất khác. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akihiro Ohata hôm 22/10 đã bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng phát triển nguồn tài nguyên đất hiếm. Ông Akihiro Ohata cũng cho biết dự kiến Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 17 từ ngày 28-31/10 tới, sau đó hai nước sẽ ký thoả thuận về đất hiếm vào ngày 31/10.