Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn ông Trump tấn công Iran

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách quốc phòng, trong đó có điều khoản ngăn cản Tổng thống Mỹ gây chiến với Iran; Tổng thống Nga và Ukraine lần đầu điện đàm... là 2 sự kiện nổi bật trong tuần.

Hạ viện Mỹ ngăn cản Tổng thống Trump tấn công Iran
Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách quốc phòng thường niên, trong đó có điều khoản ngăn cản Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chiến với Iran khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội.
Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách quốc phòng thường niên, trong đó có điều khoản ngăn cản Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chiến với Iran. 
Với 220 phiếu thuận và 197 phiếu chống, hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) năm 2020 với tổng ngân sách 733 tỷ USD, thấp hơn mức chính quyền Washington yêu cầu 27 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nó đã được bổ sung điểu khoản không cho phép Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp quân sự nhằm vào Iran khi chưa được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua.
Dự luật này giờ sẽ được đưa lên thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát để bỏ phiếu. Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cho rằng, điều kiện trên không khác nào chứng minh với Iran thấy rằng, nước Mỹ đang bị chia rẽ và hạn chế khả năng của chính quyền Washington trong việc kiểm soát sự leo thang căng thẳng.
Tổng thống Donald Trump từng hủy một cuộc tấn công nhằm vào Iran sau vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, tuy nhiên vẫn cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự nếu cần thiết.
Tổng thống Nga và Ukraine lần đầu điện đàm tìm giải pháp cho xung đột
Ngày 11/7, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky đã lần đầu tiên điện đàm kể từ khi ông Zelensky lên nắm quyền hồi tháng 4/2019.
 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Sputnik
Thư ký báo chí của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và việc trao trả tù binh từ cả hai phía. Ông Putin và Zelensky cũng nhất trí sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này ở cấp chuyên viên, đồng thời thảo luận về khả năng tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc trong tương lai theo định dạng Normandy.
Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine hồi tháng 4/2019. Trước đó, hai nhà lãnh đạo chưa từng tiến hành điện đàm, gặp gỡ cá nhân hay trao đổi thư tín.
Pháp sẽ đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ
Việc Quốc hội Pháp thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các “ông lớn” công nghệ của Mỹ khiến nước này nổi giận và tuyên bố mở cuộc điều tra về dự luật mới này.
Dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua vào ngày 4/7 và 11/7. Vì dự luật này nhắm đến những công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu, chủ yếu đến từ Mỹ nên nó còn gọi được gọi là dự luật GAFA (viết tắt chữ đầu đầu tiên của bốn công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon).
 
Dự luật này nếu được thông qua sẽ đưa Pháp trở thành nước lớn đầu tiên trên thế giới áp thuế dịch vụ kỹ thuật số với các “ông lớn” trong ngành công nghệ.
Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hàng năm ít nhất 750 triệu euro trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu euro tại Pháp. Tiêu chí này sẽ khiến gần 30 công ty công nghệ toàn cầu lọt vào tầm ngắm, chủ yếu là các công ty Mỹ và một số công ty Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha.
Nhật Bản và Hàn Quốc tranh cãi thương mại
Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang hiển hiện khi Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).
Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao.
Biện pháp này của Nhật Bản được cho là sẽ ảnh hưởng đến các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định biện pháp kinh tế này được đưa ra vì lý do an ninh, không phải để trả đũa Hàn Quốc trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Căng thẳng lại leo thang hơn khi 36.000 người Hàn Quốc ký đơn thỉnh cầu kêu gọi chính phủ có hành động trả đũa đối với Tokyo. Nhiều người Hàn Quốc cũng đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản trên truyền thông xã hội.
Khởi đầu tốt đẹp giải quyết khủng hoảng Venezuela
Sau 3 ngày đàm phán tại Barbados dưới vai trò trung gian của Na Uy, Chính phủ Venezuela và phe đối lập nước này ngày 11/7 đã thống nhất thiết lập một cơ chế làm việc thường trực để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội trầm trọng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ.
Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong (bên trái) và Tổng thống đương nhiệm Maduro.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Na Uy, các bên đã thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc thường trực như một phần của tiến trình đối thoại với mục tiêu đạt được một giải pháp có sự đồng thuận và trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ Hiến pháp Venezuela.
Dự kiến các bên tiếp tục thực hiện các cuộc tham vấn lẫn nhau trong thời gian tới để có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Đề cập tiến trình đối thoại giữa phái đoàn chính phủ và của phe đối lập, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gọi đây là một khởi đầu đáng khích lệ.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela diễn biến căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này hôm 23/1. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài đứng sau.