Hãng Total cho biết, họ có thể bỏ một dự án khí đốt có giá trị hàng tỷ USD nếu công ty này không được bảo vệ khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Hãng Total tuyên bố sẽ ngừng hoạt động liên kết với dự án khí đốt South Pars trước ngày 4/11 trừ khi công ty này được chính quyền Mỹ cấp giấy phép, với sự hỗ trợ của chính quyền Pháp và châu Âu.
Trước đó, vào tháng 7/2017, "ông lớn" năng lượng Pháp đã ký một hợp đồng với Tehran, đánh dấu dự án đầu tư năng lượng lớn đầu tiên của phương Tây vào Iran sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tehran đã nhiều lần ca ngợi dự án này như một biểu tượng cho sự thành công của Thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy, động thái này sẽ là một “đòn đau” cho Tổng thống Hassan Rouhani, người hy vọng dự án với Pháp có thể khiến các DN quốc tế khác lấy lại niềm tin vào Iran và mang lại đầu tư.
Ngoài Total, nhà điều hành vận chuyển sản phẩm dầu mỏ của Maersk Tankers cho biết họ sẽ giảm các hợp đồng tại Iran vào tháng 11, trong khi công ty bảo hiểm Đức Allianz đang chuẩn bị tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Iran.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran và tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran đã đẩy các đồng minh châu Âu vào thế “chật vật” cứu thỏa thuận hạt nhân cũng như bảo vệ hoạt động thương mại của các nước này tại Iran.
“Đó là một dấu hiệu xấu cho thấy EU không thể thực sự bảo vệ khu vực tư nhân” - Sanam Vakil, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ngoại giao Hoàng gia Anh Chatham House nói về thông báo của Total.
Các nhà quan sát cho rằng, mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong lĩnh vực thương mại và tài chính quốc tế đã giới hạn nỗ lực của các nước châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã trình bày một số lựa chọn để bảo vệ hoạt động đầu tư từ châu Âu vào Iran, bao gồm việc cho phép Ngân hàng Đầu tư châu Âu đầu tư vào Iran, phối hợp hạn mức tín dụng đồng Euro... Tuy nhiên, tầm với của hệ thống tài chính Mỹ, sự thống trị của đồng USD đều làm suy yếu mọi biện pháp tiềm năng của EU.