Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết việc đưa quân đội Anh hoặc lực lượng từ các quốc gia NATO khác tới Ukraine sẽ là vô nghĩa, mặt khác có nhiều phương thức hỗ trợ Kiev, theo RT hôm 15/5 đưa tin.
Một số quan chức ở Kiev đã đề xuất cử các cựu quân nhân phương Tây hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine trong nước nhằm nhanh chóng tăng cường đủ lữ đoàn để bù đắp tổn thất trên chiến trường.
“Tôi không muốn bước qua ranh giới đặt quân đội Anh trên thực địa ở Ukraine. Tôi không nghĩ điều đó có ý nghĩa gì. Mặt khác sẽ hợp lý hơn nếu tăng cường đào tạo (cho quân đội Ukraine)", Bộ trưởng Quốc phòng Anh hôm 15/5 khẳng định trong trao đổi ở một podcast của Telegraph về tình hình ở Ukraine.
“Có thể có những mô hình khác mà chúng tôi có khả năng xem xét. Đây không phải là điều tôi muốn đi sâu chi tiết vào lúc này”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định.
Ông chỉ ra rằng Vương quốc Anh đã huấn luyện 65.000 binh sĩ Ukraine kể từ năm 2014, hầu hết trong số họ kể từ tháng 2/2022, và cam kết của London đối với Kiev “hoàn toàn vững chắc”.
Ông Shapps thừa nhận tình hình phía Bắc Kharkov khá nghiêm trọng đối với quân đội Ukraine. Theo Bộ trưởng Shapps, các quốc gia khác nên nối bước London tăng cường viện trợ cho Kiev để đảm bảo rằng Ukraine có đủ vũ khí, đào tạo và trang thiết bị cần thiết để đánh bại Nga.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định với Times Radio rằng London thấy "vô nghĩa" trong việc thuyết phục Kiev chấp nhận bất kỳ điều kiện hòa bình nào và "từ bỏ một số lãnh thổ của mình" cho Moscow.
Boris Johnson, cựu thủ tướng Anh, đã đưa ra lập luận tương tự trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4/2022. Đây được coi là yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục Ukraine từ chối đề xuất đình chiến với Nga và tiếp tục chiến đấu.
Ông Shapps được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng vào tháng 8/2023. Không giống như người tiền nhiệm Ben Wallace, ông không có kinh nghiệm quân sự, từng đảm trách nhiều vị trí trong nội các dưới chính phủ Đảng Bảo thủ, từ lĩnh vực nhà ở, giao thông, cho đến Bộ Nội vụ.
Các quốc gia thành viên NATO có nhiều động thái khác nhau về ý tưởng gửi quân đến Ukraine. Trong diễn biến liên quan, Business Insider hôm 14/5 dẫn nguồn quan chức an ninh quốc gia cho biết, Estonia đã "nghiêm túc" thảo luận về việc gửi quân tới Ukraine với những vai trò ở xa tiền tuyến.
Madis Roll, cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Estonia, nói với hãng tin quân sự Breaking Defense rằng các nhà lãnh đạo đất nước của ông đang đánh giá tính khả thi của việc gửi binh lính Estonia đến các vai trò "hậu phương" mà sẽ không trực tiếp chiến đấu ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng 5 cho biết nước này không loại trừ khả năng gửi bộ binh tới Ukraine nếu Nga chọc thủng chiến tuyến của Ukraine và chính phủ ở Kiev đã đưa ra yêu cầu như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, ông Macron tái khẳng định những tuyên bố trước đây của ông ủng hộ Ukraine trước những bước tiến trên chiến trường của Nga.
Latvia đã bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc gửi quân NATO tới Ukraine. “Việc gửi quân đội không phải là vấn đề mà Ukraine thực sự đang yêu cầu chúng tôi hiện nay”, theo Thủ tướng Latvia Evika Silina.
Bà nhấn mạnh rằng các đồng minh phương Tây nên tập trung vào việc mua sắm và cung cấp vũ khí, đạn dược mà Ukraine cần gấp để tự vệ trước Nga.