Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường khí đốt EU đối mặt cú sốc mới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy cơ xảy ra đình công tại một số nhà máy LNG lớn ở Australia có thể làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu khoảng 10% nhiên liệu này trên toàn cầu và gây ra một cú sốc giá năng lượng mới tại châu Âu.

Giá khí đốt tăng “sốc”

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/8 do lo ngại kế hoạch đình công tại các cơ sở sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng của Australia làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong tuần trước, giá khí đốt châu Âu đã bất ngờ leo dốc gần 40%, lên hơn 43 euro (47,4 USD) mỗi megawatt - mức cao nhất kể từ tháng 6/2023. Giá khí đốt biến động sau khi có tin Liên đoàn Offshore - tổ chức đại diện cho hai công đoàn tại Australia, chuẩn bị cho cuộc đình công tại các cơ sở khí hóa lỏng của tập đoàn năng lượng Chevron.

Ngoài ra, các thành viên của công đoàn trên các giàn khoan khí đốt ngoài khơi ở khu vực Thềm Tây Bắc, thuộc sở hữu của tập đoàn Năng lượng Woodside, đã bỏ phiếu ủng hộ tuyệt đối các cuộc đình công, theo thông báo của Liên đoàn Offshore.

Dữ liệu từ sàn giao dịch Liên lục địa London (ICE) cho thấy giá khí đốt hợp đồng giao sau tại châu Âu có thời điểm trong ngày 15/8 tăng tới 18% trước khi giảm về mức 13% ở cuối phiên.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/8, Ảnh: Marketwatch
Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 15/8, Ảnh: Marketwatch

Theo Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên hợp đồng tương lai giao tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan trong ngày 15/8 vọt lên gần 52,1 USD/mwh, tương đương với 539,7 USD/1.000 mét khối.

Giá khí đốt tăng đột biến ở châu Âu, nơi hiếm khi nhận LNG từ Australia. Giới phân tích cho rằng các nhà nhập khẩu tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải cạnh tranh với các khách hàng châu Á để tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu nguồn cung từ Australia bị gián đoạn.

Nhà phân tích khí đốt Zongqiang Luo tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói với CNBC rằng giá khí đốt tại châu Âu tăng đột biến do giới thương nhân lo ngại các cuộc đình công sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung LNG trong bối cảnh châu Âu đối mặt các đợt nắng nóng mới.

Chuyên gia Luo lưu ý thêm: "Cuộc đình công tiềm năng sẽ do các công nhân tại tập đoàn năng lượng Chevron và Woodside dẫn đầu, có thể làm gián đoạn 4 cơ sở LNG của Australia”.

Theo vị chuyên gia này, cuộc đình công tại các cơ sở LNG có thể làm gián đoạn khoảng một nửa công suất xuất khẩu LNG của Australia và khiến nhiều nước nhập khẩu khí đốt tại châu Á cố gắng tìm nguồn hàng LNG thay thế.

Trung Quốc và Nhật Bản đã mua tổng cộng 26 triệu tấn LNG của Australia trong 6 tháng đầu năm nay, chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu LNG của nước này.

Trong khi đó, nhà phân tích LNG Leo Kabouche tại Energy Aspects cho biết: “Các cuộc đàm phán sơ bộ giữa các công đoàn và các cổ đông của các dự án LNG tại Australia trong ngày 15/8 không đạt được bất kỳ bước đột phá nào”.

Khả năng thiếu hụt nguồn cung

Giá khí đốt tăng đúng thời điểm châu Âu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm. Mặc dù châu Âu đã lấp đầy gần 90% kho dự trữ khí đốt, vẫn có những lo ngại rằng tình trạng gián đoạn sản xuất khí đốt và nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á có thể khiến nguồn cung khan hiếm.

Sau chiến sự Nga - Ukraine năm ngoái, châu Âu tức tốc tìm nguồn khí đốt mới thay thế nguồn cung của Moscow. Họ tăng cường nhập khí đốt tự nhiên Na Uy qua đường ống, đồng thời bổ sung LNG từ Mỹ và Qatar.

Nhà phân tích John Evans tại công ty PVM nhận định, mặc dù các quốc gia châu Âu như Đức đã ký hợp đồng khí đốt lớn với các nước khác, nhưng “vẫn có khả năng bị thiếu hụt nguồn cung và phải quay lại mua khí đốt hợp đồng giao ngay như đã thực hiện trong năm 2022.

"Australia hiện là nước xuất khẩu LNG nhiều nhất, vượt Qatar và Mỹ, nhưng đang đối mặt bất ổn tại các cơ sở sản xuất. Để đảm bảo an ninh năng lượng, các nước châu Âu cần phải tăng tốc lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu" - chuyên gia Evans cho hay.

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành tại Ukraine được khởi động, các biện pháp cấm vận EU áp đặt lên Moscow khiến nước này đáp trả bằng cách ngừng việc xuất khẩu khí đốt tới các thị trường không thân thiện. Việc này đã đẩy giá khí đốt châu Âu lên cao kỷ lục.

Tuy nhiên kể từ tháng 8/2022, giá khí đốt của EU đã giảm dần nhờ sự củng cố của các chính phủ trong gia tăng lượng dữ trữ khí đốt và tìm kiếm được nguồn cung LNG ổn định. Ngoài ra, châu Âu thuận lợi vượt qua được mùa Đông năm ngoái nhờ thời tiết tương đối ấm áp.