Chỉ cách Hà Nội khoảng 200km, Mộc Châu luôn được nhớ đến là một thảo nguyên xanh ngút ngàn trải khắp các vùng núi đồi. Đặc biệt, có độ cao trung bình 1.050m so với mực nước biển, thảo nguyên Mộc Châu mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới với thời tiết quanh năm mát mẻ, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông được gói gọn trong vòng một ngày, được ví von là “Đà Lạt” của Tây Bắc. Ngoài ra, Mộc Châu còn được “mẹ thiên nhiên” ban tặng cho đất đai màu mỡ, phì nhiêu.
Tận dụng nguồn lực này, Mộc Châu Milk đã phát triển những thảm cỏ sạch rộng hàng nghìn héc-ta cùng những ruộng ngô bát ngát, cung cấp nguồn thức ăn tươi sạch và dồi dào cho đàn bò. Toàn bộ vùng nguyên liệu đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, tất cả cỏ và ngô đều được người trồng theo quy trình nghiêm ngặt, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo sạch từ đồng cỏ đến ly sữa.
Nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi đã đánh giá, Mộc Châu chính là vùng đất hiếm hoi sinh ra để chăn nuôi bò sữa. Bởi, đất đai màu mỡ cùng khí hậu mát mẻ là điều kiện lý tưởng để phát triển đồng cỏ - nguồn thức ăn dinh dưỡng cho bò sữa, trong khi con bò sữa lại sinh trưởng tốt nhất ở những vùng đất có khí hậu quanh năm mát mẻ.
Không chỉ được “mẹ thiên nhiên” ưu ái cho các điều kiện lý tưởng để chăn nuôi bò sữa, ở thảo nguyên Mộc Châu còn có những người nông dân tỷ phú cần cù, chất phát, luôn chăm chỉ sớm hôm chăm sóc những con bò sữa theo đúng quy trình để tạo ra nguồn sữa sạch. Đặc biệt, họ luôn luôn kiên trì đi theo con đường mình đã chọn, từng bước gây dựng nên những trang trại bò sữa quy mô từ vài chục con đến hàng trăm con.
Chặng đường 65 năm là cả một hành trình dài của vùng đất nuôi bò Mộc Châu. Từ đàn bò sữa 884 con được tặng nay đã phát triển thành đại Nông trường bò sữa với đàn bò lên tới hơn 23.000 con. Điều đáng nói, trong suốt quá trình phát triển là sự gắn bó bền chặt giữa người nông dân chăn bò với Mộc Châu Milk.
Với quy trình chăn nuôi sạch và sản xuất khép kín đồng bộ, Mộc Châu có khu chuồng trại vắt sữa riêng và toàn đàn được vắt bằng máy. Bò được tắm rửa 2 lần/ngày. Trước khi vắt sữa, bầu sữa bò phải được phun rửa sạch để đảm bảo vệ sinh. Một ngày hai buổi vào sáng sớm và chiều muộn, khoảng 600 hộ nông dân chăn bò ở Nông trường sẽ chở hàng trăm tấn sữa đến các điểm thu mua của Mộc Châu Milk…
Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, Công ty Mộc Châu Milk đã gắn bó với người dân địa phương để phát triển ngành chăn nuôi sữa và góp phần đưa thương hiệu sữa Mộc Châu trở nên thân thuộc với người tiêu dùng cả nước. Từ đầu năm 2020, sau khi Vinamilk thực hiện thành công thương vụ mua bán sáp nhập thì Mộc Châu Milk chính thức trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk. Hai tên tuổi lớn của ngành sữa đã dành hơn hai năm cùng nghiên cứu, hình thành dự án mang tên “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” với tổng vốn đầu tư lên đến 3.150 tỷ đồng.
Dựa trên định hướng mục tiêu là phát triển du lịch tại Mộc Châu gắn liền với chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La, trong đó ngành chăn nuôi bò sữa là chủ lực, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã xây dựng “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” như một hệ sinh thái khép kín từ sản xuất nông nghiệp tới chế biến sữa công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững, kết hợp du lịch sinh thái để bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên, đồng cỏ vốn là bản sắc vùng cao nguyên Mộc Châu.
Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu hội tụ các thế mạnh từ bề dày hơn 65 năm gắn bó và phát triển chăn nuôi bò sữa của Mộc Châu Milk và nguồn lực tài chính, quản trị cũng như kinh nghiệm của Vinamilk trong việc xây dựng thành công 13 nhà máy và 13 trang trại bò sữa trên cả nước, trong đó có các mô hình đặc sắc như Trang trại Bò sữa Organic chuẩn châu Âu, Resort Bò sữa 4.0, Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm.
Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu gồm 2 hạng mục chính. Đó là Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu. Đây là mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái có diện tích quy hoạch là 150 héc-ta, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, gồm: Trang trại bò sữa công nghệ cao có quy mô đàn bò 4.000 con bò sữa, với vốn đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm làm nguyên liệu cho nhà máy sữa. Trang trại sử dụng công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị được đầu tư đạt các tiêu chuẩn mới nhất châu Âu, Mỹ… đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, dự án Khu du lịch, cảnh quan sinh thái đồng cỏ có vốn đầu tư 300 tỷ đồng gồm các công trình dịch vụ tiện ích, văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm tìm hiểu hoạt động chăn nuôi bò sữa góp phần giới thiệu văn hóa, lịch sử, đặc sản của địa phương và quảng bá thương hiệu Sữa Mộc Châu. Khu vực đồng cỏ rộng lớn kết nối với trang trại, cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh, chuẩn quốc tế cho đàn bò sữa 4.000 con.
Ngoài ra, Mộc Châu Milk còn đầu tư thêm 150 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống bò sữa Mộc Châu 2 hiện có lên 2.000 con bò sữa, giúp gia tăng nguồn sữa tươi nguyên liệu và con giống cho thị trường trong nước.
Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có diện tích 26 héc-ta, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày (giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2).
Nhà máy được thiết kế mô hình kiến trúc xanh phù hợp với cảnh quan thiên nhiên Mộc Châu; ứng dụng công nghệ 4.0 toàn diện trong hệ thống quản lý và vận hành với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy cũng sẽ được đầu tư những công nghệ ưu việt giúp bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các chỉ tiêu về phát triển bền vững.
Chia sẻ về tầm nhìn của dự án, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk kiêm Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk cho biết, dự án dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024. Tổ hợp dự án với trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa hiện đại, đạt chuẩn quốc tế sẽ là hạt nhân để phát triển ngành sữa địa phương và đưa thương hiệu sữa Mộc Châu ngày càng lớn mạnh.
Với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng, có thể nói, đây là một trong những dự án về nông nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và cũng là mô hình “Thiên đường sữa”đầu tiên được Vinamilk và Mộc Châu Milk giới thiệu tại Việt Nam.
Cao Nguyên Mộc Châu là vùng đất có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ, với diện tích hơn 1.000km2, điều kiện tự nhiên rất đặc trưng nhưng cần cơ chế, chính sách, tầm nhìn phù hợp để phát triển mạnh mẽ.
Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng có điều kiện phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và cả công nghiệp chế biến. Chia sẻ tại lễ khởi công dự án “Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu và nhà đầu tư hợp tác triển khai dự án theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, kết nối chuỗi giá trị, phát triển kinh tế số, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để phát triển nhanh, bền vững. Từ đó, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nhà đầu tư chú trọng xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, bình đẳng, cùng thắng, cùng có lợi với người dân trên tinh thần “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân. Trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, phải phấn đấu để người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Phấn khởi, hân hoan là cảm xúc chung của những người nông dân trên nông trường Mộc Châu khi tổ hợp thiên đường sữa đang bước những bước đi đầu tiên trên vùng đất được mệnh danh là thiên đường của bò sữa. Anh Nguyễn Văn Khanh (thị trấn Nông trường Mộc Châu) chia sẻ: “Chúng tôi rất hy vọng với dự án Tổ hợp Thiên đường bò sữa kết hợp du lịch sinh thái của Mộc Châu Milk và Vinamilk sẽ giúp người chăn nuôi bò sữa như chúng tôi sản xuất đến đâu được thu mua đến đó. Đời sống của người nông dân sẽ ngày càng được cải thiện hơn.
Ông Nguyễn Công Cường (hộ chăn nuôi bò 2647 thuộc công ty sữa Mộc Châu) thì vui mừng cho biết: “Có được Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu, toàn dân Mộc Châu chúng tôi rất phấn khởi. Vì đây cũng là điểm kết hợp du lịch, thu hút khách tham quan đến với Mộc Châu để quảng bá thêm các sản phẩm đến bạn bè trong nước và quốc tế; tạo ra công ăn việc làm cho người dân quanh đây. Tất cả cộng hưởng để đưa nền kinh tế địa phương của Mộc Châu nói riêng, của đất nước nói chung được phát triển”.
Thời gian tới, Vinamilk và Mộc Châu Milk sẽ tích cực triển khai để xây dựng dự án theo đúng tiến độ, mang lại hiệu quả bền vững. Dự án đặc biệt này tại Mộc Châu được kỳ vọng không chỉ biến nơi đây thành thủ phủ của ngành chăn nuôi bò sữa phía Bắc, mà còn tạo nên một mô hình kinh tế độc đáo, chưa từng có từ trước đến nay là chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao, theo định hướng phát triển kinh tế bền vững.
Đặt ra 6 khía cạnh trọng tâm là: An toàn - chất lượng sản phẩm; đảm bảo điều kiện lao động; phát triển kinh tế địa phương; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất thải và phúc lợi dành cho động vật; cam kết hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, Vinamilk coi phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển. Để thúc đẩy mục tiêu này, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành các tiêu chí E-S-G (Môi trường - Xã hội - Quản trị), không chỉ để vững vàng hơn trong giai đoạn nhiều biến động mà còn hướng đến phát triển bền vững trong dài hạn.
21:10 19/07/2022