Thiếu khí đốt Nga, Đức nhận ra lỗ hổng nền kinh tế

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn sự giàu có của Đức đến từ xuất khẩu hàng hóa sản xuất. Tuy nhiên, ngay cả trước chiến tranh, sản lượng và xuất khẩu của Berlin đã chững lại.

Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan quản lý điện và khí đốt của Đức cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild hôm 17/7 rằng dự trữ khí đốt của nước này khó có thể vượt qua mùa đông nếu thiếu nguồn cung từ Nga. 

"Các bồn chứa khí đốt gần như đã đầy 65%. Tình hình cải thiện so với những tuần trước, nhưng chưa đủ để vượt qua mùa đông nếu thiếu nguồn cung từ Nga," ông Mueller cho biết. Đồng thời nhắc lại rằng công việc bảo trì đường ống khí đốt Nord Stream đã được lên kế hoạch kết thúc vào ngày 21/7 tới.

Trước chiến sự tại Ukraine, 55% khí đốt nhập khẩu vào Đức là từ Nga. Ảnh: AP
Trước chiến sự tại Ukraine, 55% khí đốt nhập khẩu vào Đức là từ Nga. Ảnh: AP

Theo New York Times, tại Berlin, các quan chức đã tuyên bố “cuộc khủng hoảng khí đốt” và khởi động một kế hoạch năng lượng khẩn cấp. Các chủ hộ, trường học và thành phố đã bắt đầu điều chỉnh việc sử dụng nước nóng, đóng cửa bể bơi, tắt máy lạnh, đèn đường mờ và hô hào lợi ích của việc tắm nước lạnh. Các nhà phân tích dự đoán rằng một cuộc suy thoái ở Đức "sắp xảy ra." Các quan chức chính phủ đang chạy đua để cứu trợ nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, một công ty có tên Uniper. 

Cuộc khủng hoảng không chỉ làm dấy lên lo ngại một "mùa đông lạnh lẽo", mặt khác thúc đẩy việc đánh giá lại mô hình kinh tế đã biến Đức thành một cường quốc toàn cầu và tạo ra khối tài sản khổng lồ trong nhiều thập kỷ.

Phần lớn sự giàu có của Đức đến từ xuất khẩu hàng hóa sản xuất. Tuy nhiên, ngay cả trước chiến tranh, sản lượng và xuất khẩu của Berlin đã chững lại. Và giờ đây, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với thập kỷ trước với báo cáo hôm 15/7 rằng nền kinh tế Bắc Kinh chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022. Đà tăng trưởng này có khả năng lan truyền qua các quốc gia mới nổi khác ở châu Á, kéo theo cả tốc độ tăng trưởng của họ.

Clemens Schmees, chủ doanh nghiệp đúc kim loại tại Đức ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: NYT
Clemens Schmees, chủ doanh nghiệp đúc kim loại tại Đức ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: NYT

Đồng thời, Bắc Kinh đã và đang phát triển các nhà sản xuất công nghiệp của riêng mình, biến người tiêu dùng một thời và đối tác kinh doanh của các công ty Đức thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Bối cảnh đang chuyển dịch đặt ra những câu hỏi rõ ràng: Liệu một nền kinh tế được xây dựng dựa trên các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng có bền vững không khi nhiên liệu trở nên đắt đỏ? Liệu một chiến lược hướng vào xuất khẩu có thể thành công khi các đối tác thương mại lớn dễ bị trừng phạt và khi các quốc gia quan tâm hơn đến các rủi ro an ninh của thương mại toàn cầu hóa?

Một số nhà kinh tế đã lập luận rằng các mô hình kinh doanh của Đức một phần dựa trên giả định sai lầm và rằng khí đốt giá rẻ của Nga không rẻ như vẻ bề ngoài.

Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel, cho biết thị trường đã thất bại trong việc định giá chính xác rủi ro - tuy nhiên rủi ro này được đánh giá là rất khó xảy ra vào thời điểm đó - rằng Nga có thể quyết định giảm hoặc giữ lại khí đốt để gây áp lực chính trị.

Nó giống như tính toán chi phí đóng một con tàu mà không bao gồm chi phí thuyền cứu sinh.

Tom Krebs, một nhà kinh tế học tại Đại học Mannheim và cố vấn cho Bộ Tài chính, ước tính vào tháng 5 rằng sản lượng quốc gia của Đức có thể giảm tới 12% một khi các tác động đối với các ngành ngoài năng lượng và người tiêu dùng được tính đến.

Ông Krebs cho biết sắp tới mùa đông phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ và mức cung cấp khí đốt của Nga.

“Trường hợp tốt nhất là đình trệ với lạm phát cao, nhưng về lâu dài", chuyên gia này lập luận, "Đức có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu nước này quản lý tốt quá trình chuyển đổi năng lượng và cung cấp đầu tư công nhanh chóng và đáng kể để tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết". 

Marcel Fratzscher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, đồng ý. Ông nói, thành công công nghiệp của Đức dựa trên giá trị gia tăng nhiều hơn là năng lượng rẻ. Ông nói, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Đức là “những sản phẩm có tính chuyên môn hóa cao - mang lại lợi thế và làm cho chúng có khả năng cạnh tranh”.

Hiện tại, sự cố đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang gây đau đầu và các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 đang bận rộn đưa ra các phương án dự phòng cho tình trạng thiếu khí đốt.

Beiersdorf, nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc da bao gồm Nivea, đã có một nhóm xử lý khủng hoảng từ tháng 5 để vạch ra các kế hoạch dự phòng - bao gồm cả việc chuẩn bị sẵn sàng các máy phát điện diesel - để đảm bảo sản xuất tiếp tục hoạt động.

Khí tự nhiên từ Nga là nguồn nhiên liệu chính cho các lò tạo thép không gỉ tại xưởng đúc của gia đình Clemens Schmees từ năm 1961, khi cha ông mở cửa hàng trong một ga ra ở miền Tây nước Đức.

Clemens chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó dòng năng lượng này có thể chấm dứt hoàn toàn. Giờ đây, ông Schmees, giống như hàng nghìn lãnh đạo khác tại các công ty trên khắp nước Đức, đang cố gắng chuẩn bị khả năng đó. 

“Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng,” ông nói khi ngồi trong văn phòng chi nhánh của công ty ở thành phố Pirna phía đông, nhìn ra thung lũng sông Elbe. "Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có sự bất ổn và không chắc chắn như vậy, tất cả cùng một lúc."