Thế nhưng, 4 tháng đầu năm 2024 vẫn còn 7 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân là 0%, 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tổ công tác của Chính phủ đã đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tinh thần quyết liệt được “truyền lửa” xuống từng bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tháng 3 và ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024 từ Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến hết tháng 3/2024 là 80.689 tỷ đồng, đạt 11,43% kế hoạch (706.206,5 tỷ đồng).
Tỷ lệ vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (663.807 tỷ đồng). Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ giải ngân ước 4 tháng của cả nước trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, ngoài một số đơn vị đạt kết quả tích cực, thì còn nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn dậm chân tại chỗ. Cụ thể, hiện còn tới 7 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân là 0% và có 25 địa phương mới đạt 15%. Nhìn vào những con số này, không khỏi lo lắng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Lý giải nguyên nhân khiến một số bộ, ngành, địa phương ì ạch trong việc “tiêu tiền”, Bộ Tài chính cho rằng, do cả chủ quan và khách quan. Đơn cử như vướng mắc trong một số cơ chế, chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư hay khó khăn liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là có cơ sở. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một phần nguyên nhân còn do các bộ, ngành, địa phương vẫn thiếu "lửa” trong đôn đốc, triển khai thực hiện. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, có tình trạng cán bộ “sợ tiêu tiền công”. Nhiều cán bộ thực thi yếu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, dẫn tới việc triển khai dự án chậm trễ.
Giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Để tránh tình trạng “vốn bị ngâm”, trung tuần tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ. Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.
Để bảo đảm mục tiêu kế hoạch được giao, thiết nghĩ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của những dự án đầu tư lớn, đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục.
Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào thực hiện thủ tục đầu tư, quy trình cấp vốn, rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.