Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Hungary nhận định nước Nga sau thỏa thuận hòa bình

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm thứ Sáu (ngày 14/2), Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trên Đài phát thanh Kossuth về việc Nga sẽ được "tái hòa nhập" vào nền kinh tế thế giới và hệ thống năng lượng châu Âu sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình và xung đột ở Ukraine kết thúc.

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine leo thang vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhằm cô lập Nga, cắt đứt quan hệ tài chính với phương Tây và đóng băng dự trữ ngoại hối của nước này. Sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9 cùng năm, nhiều quốc gia châu Âu đã chuyển sang mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, dù giá cao hơn 30-40% so với nguồn cung trước đây, theo ước tính của Bộ Năng lượng Nga.

Dù vậy, Hungary vẫn duy trì quan hệ với Nga bất chấp những hạn chế. Trong cuộc phỏng vấn định kỳ trên đài phát thanh công cộng, ông Orban nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo ra cơ hội cho một giải pháp hòa bình.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: EPA-EFE
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: EPA-EFE

"Nếu phải chọn một từ để nói về điều này, tôi sẽ nói 'Tạ ơn trời'. Đây chính là điều chúng tôi mong đợi từ lâu," ông bày tỏ.

Phát biểu này được đưa ra ngay sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với ông Putin, trong đó hai bên nhất trí bắt đầu đàm phán để giải quyết cuộc xung đột Ukraine.

“Nếu Tổng thống Mỹ đến và thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình, tôi tin rằng Nga sẽ được tái hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, hệ thống an ninh châu Âu, thậm chí cả hệ thống kinh tế và năng lượng của khu vực. Điều này sẽ mang lại động lực lớn cho nền kinh tế Hungary,” ông Orban nói.

Lâu nay, nhà lãnh đạo Hungary đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng như việc phương Tây hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Ông khẳng định Hungary luôn ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cho rằng chúng đang gây tổn hại đến nền kinh tế EU và làm giá năng lượng tăng cao.

Theo ông, việc Nga quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu và hệ thống năng lượng của EU sẽ mở ra “cơ hội lớn” cho Hungary. Chính phủ Budapest vẫn duy trì hợp tác với Moscow trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo các thỏa thuận dài hạn về nhập khẩu khí đốt.

Moscow từ lâu đã phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cho rằng chúng không thể làm suy yếu nền kinh tế Nga hoặc cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Một số chính trị gia phương Tây cũng thừa nhận các lệnh trừng phạt đã phản tác dụng, gây ra những khó khăn kinh tế đáng kể tại châu Âu. Tháng trước, bà Sahra Wagenknecht, lãnh đạo đảng cánh tả BSW của Đức, cảnh báo chính các biện pháp trừng phạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Nghị sĩ Áo Axel Kassegger, đại diện một quốc gia phụ thuộc khoảng 80% vào khí đốt Nga, từng cảnh báo  nếu cắt đứt quan hệ năng lượng với Moscow, giá khí đốt sẽ tăng mạnh, kéo theo lạm phát leo thang. Cùng quan điểm, cựu nghị sĩ Đức Gunnar Beck nhận định tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại nặng nề cho EU hơn là cho Nga.