Nằm ven bờ sông Hồng có một thư viện nhỏ, ấm cúng tại thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì). Thư viện được đặt tên là Mạnh An (tên tự của danh nhân văn hóa Nguyễn Như Đổ) được góp công, góp sức xây dựng trên tinh thần đồng lòng của các anh em trong cùng một dòng họ. Thư viện lập lên với mong muốn nuôi dưỡng những ước mơ vươn tới tri thức của những đứa trẻ ở địa phương.
Một buổi sáng đầu tháng 6, phượng nở và rộn rã tiếng ve kêu, các em nhỏ ở thôn Đại Lan í ới gọi nhau đi đọc sách. Từ nhiều ngày qua, bắt đầu vào kỳ nghỉ Hè, Nguyễn Minh Tường (Học sinh lớp 5A) và Đặng Thanh Thuý (học sinh lớp 4B) cùng học tại trường Tiểu học Duyên Hà đều đặn đạp xe trên con đường nhỏ ven sông Hồng để đến thư viện.
Sau cánh cổng thư viện là một không gian rất riêng dành cho các em nhỏ. Phòng đọc được thiết kế ở tầng 1 của ngôi nhà sàn nằm hoà mình với thiên nhiên. Trong đó bố trí nhiều bàn ghế gỗ, cửa kính rộng mở góc nhìn thoáng ra sân vườn, được tô điểm bởi nhiều loại hoa, tiểu cảnh. Phòng đọc thư viện rộng khoảng 80m2, nổi bật với hơn 2.000 cuốn sách về giáo dục kỹ năng sống, sách khoa học, lịch sử, truyện tranh… được bố trí ngăn nắp và phân khu theo đề tài. Đến 9 giờ sáng, thư viện đã chật kín học sinh. Em đọc sách khoa học, em đọc truyện, có những nhóm bạn lại mang sách ra sân vườn thảo luận sôi nổi về nội dung yêu thích vừa tìm thấy, được đề cập trong ấn phẩm.
Em Nguyễn Minh Tường - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây vào dịp Hè, em thường chơi cùng các bạn ở nhà vì trời nắng. Từ khi biết thôn có thư viện Mạnh An, em rất thích. Vào đây, em được đọc sách hay, không gian mát mẻ, lại được chơi với các bạn. Ngoài những truyện vui, em thích đọc những cuốn sách về khoa học, lịch sử. Em thích đọc sách để tìm hiểu về những kiến thức chưa biết trong quá khứ, đặc biệt là các danh nhân. Hôm nay em tìm đọc tác phẩm về ông Mạc Đĩnh Chi”.
Được biết, để thuận tiện cho việc tra cứu, thư viện còn có thiết bị truy cập internet, cơ sở dữ liệu điện tử được tra cứu theo địa chỉ http://manhan.thuvien.edu.vn. Điều này giúp học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin mong muốn, theo kịp xu thế công nghệ, thay vì phương thức mượn - trả sách truyền thống. Thư viện cũng tổ chức các hoạt động trình chiếu phim về môi trường, thiên nhiên để đa dạng các trải nghiệm cho bạn đọc.
Em Đặng Thanh Thuý - học sinh lớp 4B, Tiểu học Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) vui cười nói: “Trong thôn này, thư viện là nơi em thích nhất. Đi từ nhà đến rất nhiều cây xanh, chúng em có thể thoải mái đọc sách trong nhà, ngoài vườn không ngại nóng. Nhiều khi, chúng em còn tổ chức trò chơi trong không gian thiên nhiên trong lành”.
Hiện nay, các thư viện lớn của TP cũng như của các quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn và có số đầu sách vô cùng phong phú, nhưng khoảng cách là một trong những khó khăn khiến không phải ai cũng dễ dàng đến thư viện thường xuyên. Vì vậy, sự ra đời của thư viện cộng đồng trong các khu dân cư đã thu hút người dân, nhất là em nhỏ mê đọc sách.
Trong thời gian gần đây, số lượng phụ huynh bắt đầu đưa con đến thư viện Mạnh An ngày càng nhiều hơn. Thư viện không chỉ được các em nhỏ trong thôn Đại Lan biết tới mà còn là địa chỉ tin cậy được nhiều phụ huynh ở các thôn, xã lân cận đưa con đến vào ngày hè. Sau khi tìm kiếm trên Google, chị Vũ Thu Hoài thôn Đông Trạch (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) đưa 2 con nhỏ đến thư viện. Chị Vũ Thu Hoài cho hay: “Dịp này, tôi muốn tìm các địa điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích cho các con. Khi tìm kiếm trên Google, tôi thấy có địa điểm thư viện Mạnh An nên đưa các con đến. Khi bước chân đến đây, tôi thấy không gian thư viện rất mở, sạch đẹp, yên tĩnh, phù hợp với không gian tôi mong muốn để các con tĩnh tâm đọc sách, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh”.
Hạnh phúc khi nhìn các con vui chơi, đọc sách, làm quen với các bạn mới. Chị Vũ Thu Hoài bày tỏ: Tôi nghĩ nếu các con được thường xuyên đến thư viện, lựa chọn sách hay sẽ góp phần nôi dưỡng tinh thần cho các con. Khi đưa con đến thư viện, tôi mong muốn có thể mang tới cho các con một gia tài kiến thức để các con trưởng thành hơn. Bởi như Gustavơ Lebon từng nói: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”.
Có thể thấy, khi đến thư viện ven sông Hồng này, ai cũng có thể cảm nhận được sức hút của thư viện không chỉ đến từ những cuốn sách hấp dẫn mà còn ở không gian đọc thân thiện được những người sáng lập tâm huyết dành cho các em học sinh. Thư viện nhỏ này như một thế giới gần gũi với tuổi thơ các em, được mở ra với những yêu thương gửi gắm cho con trẻ. Chị Đặng Minh Thuần – nhân viên Thư viện trường Tiểu học Duyên Hà chia sẻ: “Đến thư viện Mạnh An các con được đọc trong không gian mở, nhiều cây xanh, có thể giao lưu. Ngoài đọc có thể vui chơi, mở rộng kiến thức hơn. Đây là môi trường lành mạnh cho các con trong thời gian hè, xa được thiết bị điện tử”.
Thư viện Mạnh An được thành lập vào tháng 10/2022 và mở cửa tất cả những ngày trong tuần, từ 8 giờ đến 17 giờ và hoàn toàn miễn phí. Theo anh Đặng Văn Mạnh - Quản lý thư viện: Mạnh An là tên tự của danh nhân văn hoá Nguyễn Như Đổ, một nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà giáo dục nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì). Việc lấy tên Thư viện là Mạnh An không chỉ để tri ân danh nhân Nguyễn Như Đổ mà còn hướng đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ít ai biết, thư viện Mạnh An được thành lập chính trên mảnh đất của một dòng họ để lại. Anh Đăng Văn Mạnh chia sẻ: “Xa xưa, đây là vùng đất thoát lũ bên lở, bên bồi. Để có mảnh đất này, các cụ ngày xưa đã phải múc đất để bồi đắp nên. Xuất phát từ truyền thống của địa phương và mong muốn cuộc sống của người dân ở đây (chủ yếu làm nông nghiệp) vơi bớt vất vả; trẻ em ít có không gian để đọc sách, anh em trong dòng họ đã đóng góp công sức xây dựng thư viện”.
Từ khi thư viện đi vào hoạt động, người trong dòng họ vẫn thay nhau duy trì. Có người dậy sớm từ 4 giờ sáng để chăm sóc từng gốc cây, bụi cỏ tạo cảnh quan, người khác đi làm về buổi chiểu lại tranh thủ đến để sắp xếp lại vật dụng thư viện. “Mọi người trong dòng họ bảo nhau tự làm không mất kinh phí kinh phí duy tu, hoạt động. Thư viện hoạt động miễn phí cũng là mong muốn tự tâm để giúp đỡ, động viện con cháu phát triển văn hoá đọc” – anh Đặng Văn Mạnh cho biết.
Việc làm của anh Đặng Văn Mạnh và những thành viên trong dòng học tưởng chừng như rất nhỏ và đơn giản nhưng đã góp phần khôi phục văn hóa đọc ở một làng quê thanh bình, giàu truyền thống hiếu học, từ đó hình thành nên một thói quen tốt đó chính là “thói quen đọc sách mỗi ngày”. Sau gần 2 năm, kể từ ngày thư viện Mạnh An được thành lập, ở thôn quê Đại Lan, các cháu nhỏ có chỗ vui chơi, học tập sau mỗi giờ tan học, chia sẻ những thông tin bổ ích. Tiếng lành đồn xa, bình quân mỗi ngày có từ 20 đến 50 lượt bạn đọc sách, trong kỳ nghỉ Hè có ngày lên tới 100 lượt bạn đọc. Từ đó, thư viện không chỉ là nơi phát triển văn hóa đọc mà còn là nơi chứa đựng nét tinh thần, văn hóa của cả khu vực dân cư như thế.
Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Thị Dương Huyên đánh giá, Thư viện Mạnh An có ý nghĩa lớn, không chỉ ở việc lan toả văn hoá đọc trong giới trẻ mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Đây cũng là mục tiêu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.
08:57 15/06/2024