Xu hướng này đã tạo cơ hội cho TMĐT phát triển mạnh mẽ, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Chia sẻ về thói quen tiêu dùng, anh Nguyễn Tuấn Anh, ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay: “Hai năm trở lại đây, tôi thường mua sắm trên các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada, Voso… Điều này giúp tôi cùng lúc có thể mua nhiều mặt hàng, có thể so sánh về chất lượng, giá trước khi đưa ra lựa chọn. Mặt hàng tôi ưa thích là đặc sản vùng miền, đồ gia dụng, trung bình mỗi tuần tôi mua từ 7 - 8 đơn”.
Còn với chị Phạm Thu Thủy, ở quận Đống Đa (Hà Nội) thì thói quen mua hàng trên các sàn TMĐT giúp chị tiết kiệm được nhiều thời gian. Tại các gian hàng, chị Thủy có thể tham khảo thông tin về sản phẩm, đánh giá của những người đã mua hàng trước khi quyết định đặt mua. “Hàng giao đến, tôi được kiểm tra hàng, tiếp đó mới chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm”.
Nhận định tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, tại Việt Nam, mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Với gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Năm 2022 tiếp tục là cuộc đua giành thị phần giữa các “ông lớn” như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… trên sàn TMĐT. Cuộc đua giành thị phần này đang tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường. Để tăng năng lực chiếm lĩnh thị phần trên thị trường, các “ông lớn” đang đổ vốn đầu tư vào thị trường TMĐT.
Cùng với cuộc chạy đua đổ vốn mở rộng thị trường, việc một lượng lớn người dùng kỹ thuật số tương tác cao và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển tạo ra các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ giúp nền kinh tế internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu. Thị trường TMĐT đang phát triển mạnh mẽ khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Đáng chú ý, thị trường TMĐT năm 2022 phát triển theo cả 3 xu hướng: Cá nhân hóa trải nghiệm người mua hàng; thanh toán không tiền mặt và tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Không phủ nhận thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động TMĐT cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT đang gia tăng liên tục. Trong giai đoạn 2019 - 2022, trung bình mỗi năm đã tiếp nhận và xử lý trên 200 khiếu nại, yêu cầu trong lĩnh vực TMĐT.
Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên bao gồm: Hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mại đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại…
Có thể thấy, thế mạnh của TMĐT đã rõ, song mặt hạn chế của nó cũng không ít. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi tham gia TMĐT, các cơ quan, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng; hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật và phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm về TMĐT cũng như công khai các trang TMĐT vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng.