Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lời giải cho bài toán ngành du lịch phát triển nhanh bền vững

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bộ, ngành cần tìm giải pháp cho ngành du lịch phát triển nhanh bền vững, đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch nhanh bền vững” sáng 15/11.

Du lịch đã phần nào hồi phục

Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có phần khởi sắc. Hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Riêng TP Hà Nội đã đón được 20,7 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022,

Mặc dù lượng khách du lịch đã tăng trở lại nhưng Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, lượng khách quốc tế mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam

Nguyên nhân là do doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này mới mở cửa trở lại. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới tiềm năng chưa chủ động, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, song chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú. Đồng thời ngành du lịch thiếu hụt lực lượng lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

 

Để du lịch phát triển, ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn cần sự vào cuộc của người dân với tinh thần "mỗi người dân là một đại sứ du lịch". Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phát huy vai trò của thành viên trong hiệp hội, tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần phải tăng cường sự hợp tác, sáng tạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thẳng thắn nhìn nhận thực tế của ngành Du lịch sau dịch Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng cho rằng, mặc dù lượng khách quốc tế đã đạt 10 triệu lượt, vượt kế hoạch nhưng con số này còn thấp hơn tiếm năng vốn có. Đồng thời du lịch Việt Nam lại rơi vào tình trạng lộn xộn, cạnh tranh, tăng giá.

"Trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp, địa phương gắn kết chặt chẽ, có nhiều sản phẩm liên kết mạnh, hỗ trợ giá nên có nhiều sản phẩm tốt. Nhưng hiện nay sự liên kết đó biến mất và đã xảy ra việc cạnh tranh giá khiến lượng khách sụt giảm" - ông Vũ Thế Bình nêu rõ.

Khách du lịch quốc tế tìm hiểu du lịch Hà Nội tại Festival Thu Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế tìm hiểu du lịch Hà Nội tại Festival Thu Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Thủ tướng Phan Minh Chính cũng chỉ rõ những yếu kém của ngành du lịch như thiếu sản phẩm hấp dẫn, mang bản sắc riêng; Hoạt động liên kết giữa các ngành còn lỏng lẻo, vẫn “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, công tác quảng bá còn đi theo lối mòn, bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế…Công tác quản lý điểm đến còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ Tết.

Hiến kế để du lịch phát triển bền vững

Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến, hiến kế giúp ngành du lịch Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ, tăng tốc phục hồi, có sức cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, cần có chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch, trong đó Nhà nước nên điều chỉnh giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất.

Khách du lịch quốc tế thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, đại điện Sungroup đề xuất cần có chính sách ưu đãi về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo, lãi suất ưu đãi), được hưởng các ưu đãi về thuế. “Trước mắt, Nhà nước tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành du lịch ở mức 5-8%”- đại diện Sungroup kiến nghị.

 

Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 3 địa điểm tiềm năng của Hà Nội, gồm: khu du lịch Ba Vì, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hồ Đông Mô, chùa Hương để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch. Bộ VH TT&DL quan tâm nghiên cứu chính sách hộ trợ kinh tế, thủ tục giúp các đơn vị lữ hành tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; quan tâm xây dựng đề án tổng thể quảng bá, xúc tiến thị trường du lịch Việt Nam…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Tương tự những doanh nghiệp lớn của ngành du lịch như  VinGroup, Vietravel và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet có chung ý kiến, Chính phủ nên có chính sách đồng bộ, mở rộng thị trường điểm đến, cơ cấu lại thị trường quốc tế, đồng thời kích thích kết hợp du lịch với mua sắm…

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, ngành du lịch cần mạnh dạn đặt mục tiêu đón 18-20 triệu khách quốc tế  trong năm 2024 từ đó đưa ra những giải pháp phát triển du lịch mang tính đột phá.

“Muốn đón được 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, ngành du lịch cần cập nhật lại chiến lược phát triển, đồng thời củng cố lại Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch. Ngoài ra nên tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc tế để tăng sức hút với du khách” - ông Kỳ hiến kế.

Khách du lịch mua sắm tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch mua sắm tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam

Trước những kiến nghị, đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp, Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, ngành du lịch muốn phát triển nhanh bền vững phải làm việc với tinh thần “Sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục nhanh gọn, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn và thân thiện”.

Bên cạnh đó các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… để  hình thành những trục du lịch “một cung đường nhiều điểm đến”…

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành có những chính sách về giá, visa thông thoáng, hợp lý, mở rộng đường bay, các cung đường du lịch mới, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp khai thác thị trường mới. Ngành du lịch phối hợp với các địa phương, bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các mô hình sản phẩm mới độc đáo phù hợp đặc trưng từng vùng miền, trong đó lưu ý các sản phẩm: du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe…