Mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” đang được đẩy mạnh trên địa bàn TP Hà Nội với quyết tâm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội.
Từ năm 1999, tại lối vào cầu thang khu tập thể A3, tổ 17 phường Nghĩa Tân, cư dân đã thành lập một thư viện nhỏ; đây vừa là nơi thông báo những hoạt động chung của khu, vừa là nơi để người dân tra cứu thông tin, trau dồi tri thức.
Đến nhà A3, tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân - nơi khởi xướng mô hình “Cầu thang văn hóa”, nhiều người có cảm giác như bước vào một thư viện thu nhỏ với đủ loại sách, báo được bày biện ngăn nắp cùng bảng thông tin, bàn ghế được treo, đặt gọn gàng. Nhiều năm nay, nơi đây là điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, không chỉ thu hút người cao tuổi, mà cả những người trẻ cũng tìm đến vui chơi sau giờ học, giờ làm. Trong không gian giao lưu văn hóa, những thông tin bổ ích, những lời thăm hỏi, chuyện trò được chia sẻ chân tình, giúp cư dân khu tập thể thêm gần gũi, gắn kết. Cũng từ đây, những công việc chung, cần ý kiến tập thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung.
Bà Đào Thị Anh Tuấn – phụ trách cầu thang văn hóa nhà A3, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ: "Cầu thang văn hóa này thành lập từ năm 1999. Từ khi có cầu thang văn hóa thì tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn. Có khi chuyện nhà không nói được với con nhưng mà nói được với nhau ở đây." Bà Trương Thị Đoan – phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết: "Cầu thang này không chỉ sống trong lòng của người dân tổ 17 mà còn lan tỏa ra nhiều nơi, là niềm tự hào của chúng tôi vì mang nguồn tri thức ngoài cộng đồng tới người dân. Vì chúng ta xây dựng xã hội học tập, không chỉ nhà trường mà học ở ngoài đời, sách báo, cộng đồng cũng là nguồn thông tin học tập quan trọng".
Từ khu nhà A3, đến nay, hơn 176 cầu thang tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã đăng ký xây dựng cầu thang văn hóa. Đây được xem là mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn bởi tại đây mọi người không chỉ được giao lưu, sống khỏe, sống vui mà quan trọng hơn nó còn trở thành địa chỉ hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng mô hình tập thể văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung.
Được triển khai từ năm 2017, Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã có nhiều năm đi vào đời sống văn hóa Nhân dân Thủ đô, tạo nên những chuyển biến tích cực thông qua nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, như các mô hình: “Liên gia tự quản”, "Tổ dân phố 5 không", "Cầu thang văn hóa"… và mới đây là mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” được triển khai tại nhiều địa phương, đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nhiều địa bàn dân cư, góp phần tích cực vào thúc đẩy đời sống – xã hội. Thể hiện rõ nét nhất là các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị… Các phong trào văn hóa – thể thao nhờ đó cũng phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Là một trong những quận lõi của Thủ đô, quận Ba Đình là một trong những địa phương tiên phong trong triển khai mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử, hiện nay, nhiều phường trên địa bàn quận triển khai, với hàng chục công trình trọng điểm.
Tại phường Thành Công, trước đây, khu vực sân chung khu tập thể còn có tình trạng người dân chiếm dụng làm nơi trông giữ xe, bán hàng ăn… Hiện nay, người dân đã chung tay xây dựng sân chơi cộng đồng kiểu mẫu và nhà hoa cộng đồng. Điển hình như tại sân chung nhà C8- C9 Khu tập thể Thành Công, Chi bộ, chính quyền và Hội Phụ nữ Tổ dân phố số 15 đã vận động các hộ dân trả lại không gian chung; vận động đóng góp chỉnh trang khuôn viên chung. Trong đó, Hội Phụ nữ đảm nhiệm công trình vẽ hơn 60m2 tranh bích họa, xây bồn gạch và phủ xanh 11 gốc cây… Tiếp đó, đã kêu gọi xã hội hóa, lắp đặt thiết bị vui chơi cho trẻ em, thiết bị tập luyện tại sân chơi. Sau khi được đưa vào hoạt động, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với nòng cốt là Hội Phụ nữ tiếp tục vận động mọi người thực hiện Quy tắc ứng xử.
Quận Thanh Xuân với mô hình “Tổ dân phố 5 không”, sau gần 5 năm triển khai, đã trở thành minh chứng sinh động nhất cho việc sáng tạo, đưa phong trào đi vào thực chất ở Hà Nội. Từ những mô hình điểm đầu tiên tại một số tổ dân phố trong năm 2019, đến nay, “Tổ dân phố 5 không” đã được nhân rộng tại 11/11 phường của Thanh Xuân.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng, các tổ dân phố, khu dân cư đã có nhiều cách làm hay, giải pháp thiết thực trong triển kha như: tuyên truyền, vận động từng cá nhân, hộ gia đình; lắp đặt camera an ninh từ nguồn xã hội hóa; tổ chức trực tại các điểm xả rác trộm, phối hợp tuần tra an ninh đêm; duy trì phong trào tổng vệ sinh thứ Bảy hằng tuần; bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè… Qua đó, hình thành, lan tỏa một mô hình văn hóa hiệu quả, là “thương hiệu” riêng của quận…
Trong khi đó, tại phường Kim Mã với đặc thù hoạt động kinh doanh tấp nập và sôi động, tổ dân phố số 9 đã kiên trì vận động các gia đình sắp xếp phương tiện đi lại đúng hàng lối; duy trì chăm sóc, bảo vệ cây xanh và vệ sinh trước cửa hàng cũng như thực hiện ứng xử văn minh trong hoạt động thương mại…
Mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” đang được đẩy mạnh trên địa bàn toàn TP với quyết tâm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội. Không chỉ riêng các quận nội thành, tại nhiều huyện đã đồng loạt ra mắt các mô hình, nhiều nơi có những hiệu quả thiết thực được ghi nhận.
Đơn cử tại huyện Mê Linh, mô hình điểm “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” được triển khai tại Tổ dân phố số 5, thị trấn Chi Đông. Để thực hiện mô hình điểm này, Chi ủy chi bộ Tổ dân phố số 5, thị trấn Chi Đông đã vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động, huy động nguồn xã hội hóa để trồng hoa, dọn vệ sinh, lắp đặt dụng cụ luyện tập thể dục thể thao, thùng đựng rác… Kết quả, Tổ dân phố đã trồng được 100m đường hoa, lắp đặt 20 ghế đá, 08 thiết bị luyện tập thể dục thể thao với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Tổ dân phố số 5 còn được Hội LHPN huyện hỗ trợ trồng hoa dâm bụt, hoa giấy; lắp đặt hệ thống bảng tiêu chí “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” đối với mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”; in, cấp phát bộ “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” đến từng hộ gia đình và hỗ trợ công tác trang trí, treo cờ tại trục đường chính của Tổ dân phố.
Tại quận Long Biên, mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” được triển khai Tổ dân phố số 20 - phường Thượng Thanh và tổ đân phố số 7 - phường Đức Giang. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố 20, phường Thượng Thanh Nguyễn Quốc Hoàn chia sẻ, Tổ dân phố số 20 đã tổ chức hội nghị đại biểu Nhân dân họp bàn những giải pháp để triển khai thực hiện các nội dung xây dựng “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”; đồng thời, thống nhất chủ trương, tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện góp công, góp sức, góp nguồn lực để phối hợp xây dựng công trình “Đoạn đường nở hoa”, “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp”; gắn với xây dựng Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Kết quả, Tổ dân phố đã ra mắt được 2 “tuyến ngõ hoa”, biến 1 điểm chân rác thành bồn hoa đã hoàn thành, đến nay lại được gắn với triển khai xây dựng Mô hình điểm “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Tổ dân phố sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tốt phong trào làm vệ sinh môi trường vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, lấy Chi hội phụ nữ làm nòng cốt; các hộ kinh doanh bảo đảm tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự vỉa hè tại địa điểm kinh doanh, không để tình trạng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm tổ dân phố luôn “xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường sạch sẽ”.
Từ đầu thôn Dương Danh (Dương Xá, huyện Gia Lâm) nhiều cây hoa rực rỡ đủ sắc màu, những tuyến đường sạch sẽ, nổi bật hơn cả là bức tường bích hoạ kéo dài xung quanh những nếp nhà phác hoạ cảnh nông thôn thanh bình, di sản văn hoá… tạo khung cảnh nông thôn đầy màu sắc.
Nói về những bức tường này, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá Phạm Thị Thuý cho biết, nhận thấy những bức tường gạch rêu phong cũ xen giữa những bức tường tranh bích họa thì không hài hòa, nhưng chưa biết xử lý như thế nào. “Một lần đi du lịch cầu kính rồng mây tại Lai Châu, có các bậc thang được chia thành các ô màu sắc rực rỡ, nên tôi đề xuất ý tưởng với các cô, các chị ở Hội Phụ nữ thôn là làm mới những viên gạch cũ bằng các viên gạch tô màu thì được ủng hộ ngay” - bà Phạm Thị Thúy cho hay.
Không cần quá cầu kỳ hay thợ chuyên nghiệp, phụ nữ thôn Dương Xá bắt tay vào cạo rêu, rồi sơn vào các ô gạch mà kinh phí khá rẻ, khoảng 200.000 đồng là có một bức tranh tường hình ô gạch đủ các sắc màu. “Trong khi vẽ bích hoạ đòi hỏi có hoạ sĩ thì bức “tranh tường gạch”này ai cũng có thể thực hiện một cách sáng tạo, từ phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên” – bà Thuý chia sẻ.
Trên địa bàn TP Hà Nội, những tuyến đưỡng, ngõ phố “nở hoa” đã giúp mang lại những diện mạo đẹp cho không gian từ đô thị đến nông thôn. Tại các xã Phong Vân, thuộc huyện Ba Vì, xã Hương Ngải, Đại Đồng, Hạ Bằng (huyện Thạch Thất), xã Song Phượng, Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Đông Yên, Phú Mãn (huyện Quốc Oai), thị xã Sơn Tây... đều là những miền quê đáng sống với những con đường trải dài sạch đẹp, những cây hoa lung linh, những đèn lồng, chong chóng sắc màu, tranh bích họa... tạo điểm nhấn sinh động cho khung cảnh làng quê yên ả. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, trên toàn huyện đã xây dựng được 102 tuyến đường nở hoa, 92 đoạn đường bích hoạ được chăm sóc đảm bảo xanh, sạch đẹp; duy trì 741 ngõ, xóm “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”…
Tương tự, huyện Hoài Đức có tuyến đê Tả Đáy chạy qua 9 xã. Làm đẹp cho không gian làng quê, huyện đã xây dựng và duy trì 19,3km tuyến đê kiểu mẫu nở hoa, với sự tham gia nhiệt tình của nhiều lực lượng, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, học sinh... Đáng chú ý, kinh phí để xây dựng các tuyến “đê hoa” được nhân dân xã hội hóa lên tới hơn 3 tỷ đồng để cải tạo đất, đầu tư cây giống. Sau khi tuyến đê được “khoác áo mới”, các hộ dân sinh sống ven đê rất phấn khởi, tự nguyện chăm sóc, tưới cây hằng ngày. Hàng tuần, hội viên phụ nữ tổ chức nhổ cỏ, tổng vệ sinh, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ, làm đẹp cảnh quan môi trường tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Thuận cho biết, 9 tháng đầu năm đã có 180 lượt thôn, tổ dân phố tham gia cuộc thi; đã trang bị trên 6.000 thùng rác có nắp đậy, vẽ 364 bức tranh tường bích hoạ, sơn sửa gần 9.000 m2 tường…. Ngoài ra, huyện huy động đoàn thanh niên và các đoàn thể xoá, gỡ bỏ hàng trăm mẩu quảng cáo rao vặt mang lại mỹ quan cho các vùng quê.
Với mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”, tuyến đường nở hoa, ngõ phố văn hóa…, trongnhững năm qua, bằng những cách làm sáng tạo, đã góp phần đưa những nội dung trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội lan tỏa vào đời sống. Qua đó, không chỉ cảnh quan được tôn tạo, phát triển, nâng cao điều kiện sống của người dân, mà điều quan trọng nhất là đã tạo chuyển biến sâu rộng, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
05:20 23/11/2024