Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Pháp kêu gọi Trung Quốc thiết kế một “thỏa thuận đình chiến Olympic”

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Pháp đã kêu gọi đình chỉ các hoạt động thù địch trên toàn cầu trong Thế vận hội Olympic 2024, dự kiến vào tháng 7-8 tới tại Paris, đặc biệt đề cập đến xung đột Ukraine và cuộc chiến ở Gaza.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Trung Quốc giúp thiết kế một “thỏa thuận đình chiến Olympic” kéo dài ba tuần đối với các cuộc xung đột toàn cầu. Ông cũng đặc biệt đề cập đến xung đột Ukraine và cuộc chiến ở Gaza khi thảo luận ý tưởng này với giới truyền thông Pháp.

Chỉ còn khoảng 100 ngày cho đến khi Thế vận hội Mùa hè bắt đầu, ông Macron thúc giục Trung Quốc tham gia nỗ lực thúc đẩy “thời điểm hòa bình ngoại giao” trong sự kiện này, đề cập đến các cuộc chiến ở Gaza, Ukraine và Sudan.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Bình luận của ông Macron được đưa ra hai tuần sau khi Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng Paris mong đợi Bắc Kinh “gửi thông điệp rất rõ ràng” tới Moscow về cuộc chiến tại Ukraine. 

Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Paris vào tháng 5, ngay trước khi Thế vận hội khai mạc và hơn một năm kể từ chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày của ông Macron tới Trung Quốc. 

Theo nhà phân tích Andrew Korybko từ Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Moscow, Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lập trường đối với cuộc xung đột và tiếp tục giữ thái độ nhất quán bất chấp áp lực của phương Tây, do đó khó có thể kỳ vọng thay đổi từ phía Bắc Kinh. 

Mặt khác, một thỏa thuận ngừng bắn cũng khá nan giải khi mà Ukraine và các đồng minh “không quan tâm” đến việc theo đuổi các điều khoản phù hợp với yêu cầu của Nga, mặc dù những diễn biến gần đây, bao gồm cả trận chiến sắp xảy ra ở thị trấn chiến lược Chasiv Yar miền Đông Ukraine, có thể thay đổi quan điểm của Kiev.

“Nếu Nga đạt được đột phá quân sự dọc theo "đường liên lạc", có thể gây áp lực buộc Ukraine và phương Tây phải nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga. Mặt khác cũng có thể dẫn đến sự can thiệp của phương Tây”, SCMP dẫn lời chuyên gia Korybko nói.

Nga và đồng minh Belarus đã bị cấm tham gia Thế vận hội liên quan tới xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach xác nhận Israel sẽ có mặt tại sự kiện ở Paris.

Động thái này gây tranh cãi trong bối cảnh Israel cũng đang vướng vào xung đột với Iran và tình hình dải Gaza chưa có giải pháp hạ nhiệt. 

Nhà phân tích chính trị Xu Qinduo ở Bắc Kinh lưu ý rằng nhiều quốc gia ở các nước đang phát triển đã chỉ trích phương Tây trong việc tiếp cận các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza.

Đáp lại đề xuất "ngừng bắn vì Olympic" của ông Macron, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, Ukraine thường sử dụng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào được Nga tuân thủ để giành lợi thế trên chiến trường. Đồng thời cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần được hỏi về các sáng kiến tương tự.

“Cả tổng thống và các quan chức quân sự Nga đều chỉ ra rằng Kiev thường sử dụng những ý tưởng và sáng kiến như vậy để tập hợp lại, tái vũ trang,... Điều này chắc chắn khiến việc xem xét những sáng kiến đó khó khăn hơn”, ông Peskov khẳng định. 

Người Phát ngôn Điện Kremlin thông tin thêm rằng Chính phủ Nga chưa nhận được bất kỳ đề xuất chính thức nào từ Pháp về vấn đề đó.

Ông Putin từng nhấn mạnh rằng Moscow sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia và tình hình chiến trường khi xem xét bất kỳ lời kêu gọi ngừng bắn nào.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, thay vì hành động mang tính "câu giờ". "Moscow hy vọng Kiev thực sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bình thực sự lâu dài giữa hai nước chứ không phải tạm dừng trong vài năm để tái vũ trang,” ông Putin khẳng định.