Tổng thống Trump áp luật năm 1798 để trục xuất người Venezuela
Kinhtedothi - Tòa án Tối cao Mỹ ngày 7/4 cho phép Tổng thống Donald Trump sử dụng Đạo luật Ngoại kiều Thù địch (1798) để trục xuất một số người Venezuela bị nghi ngờ là thành viên băng đảng, với điều kiện phải đảm bảo quyền tiếp cận xét xử trước khi bị đưa khỏi lãnh thổ Mỹ.

Giới chức Mỹ đưa người di cư bất hợp pháp lên máy bay Conviasa về Venezuela hôm 10/2. Ảnh: WH
Tòa án Tối cao Mỹ vừa cho phép Tổng thống Donald Trump tiếp tục trục xuất nhanh các nghi phạm Venezuela theo một đạo luật lâu đời từ năm 1798. Trước đó, kế hoạch này từng bị tạm dừng bởi lệnh cấm của một thẩm phán liên bang hôm 15/3, do lo ngại việc sử dụng luật vốn chỉ áp dụng trong thời chiến là không phù hợp với tình hình hiện nay.
Dù ủng hộ chính quyền Trump, Tòa án vẫn yêu cầu các bước trục xuất phải bảo đảm người bị ảnh hưởng được thông báo trước và có đủ thời gian để kháng nghị tại tòa án. Đây được xem là điều kiện bắt buộc nhằm đảm bảo quyền tiếp cận pháp lý cho người bị trục xuất.
Đạo luật năm 1798 cho phép tổng thống trục xuất hoặc quản thúc công dân nước ngoài nếu họ bị cho là có mối liên hệ với thế lực thù địch trong thời chiến. Trong Thế chiến II, đạo luật từng được viện dẫn để quản thúc người Nhật, Đức và Ý tại Mỹ. Nay, ông Trump dùng lại đạo luật này để nhanh chóng trục xuất những người bị nghi là thành viên của băng đảng Tren de Aragua, tổ chức tội phạm có nguồn gốc từ Venezuela.
Tuy nhiên, việc sử dụng luật cổ đã ngay lập tức bị phản đối. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã đệ đơn kiện thay mặt một nhóm người Venezuela bị giam giữ, cho rằng đạo luật chỉ có thể áp dụng khi Mỹ đang có chiến tranh hoặc bị xâm lược.
Dù có lệnh cấm tạm thời từ tòa án liên bang, hai chuyến bay chở 238 người Venezuela vẫn tiếp tục đến El Salvador, nơi họ bị đưa vào trung tâm giam giữ đặc biệt. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng các chuyến bay này đã rời khỏi không phận Mỹ trước khi lệnh cấm có hiệu lực bằng văn bản nên không vi phạm quy định.
Vụ việc làm dấy lên tranh cãi gay gắt. Tổng thống Trump thậm chí kêu gọi Quốc hội luận tội thẩm phán James Boasberg vì “cản trở chính sách an ninh quốc gia”, động thái này đã bị Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts lên tiếng chỉ trích.
Trong khi đó, thân nhân của nhiều người bị trục xuất phủ nhận cáo buộc liên quan đến băng đảng. Một trường hợp gây chú ý là huấn luyện viên bóng đá trẻ người Venezuela bị dán nhãn thành viên băng nhóm chỉ vì có hình xăm vương miện, biểu tượng của câu lạc bộ Real Madrid mà anh hâm mộ.
Dù được bật đèn xanh từ Tòa án Tối cao, chính quyền Trump vẫn đối mặt với nhiều chỉ trích xung quanh việc sử dụng đạo luật hàng trăm năm tuổi để xử lý vấn đề nhập cư hiện đại. Tranh cãi dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Biểu tình phản đối ông Trump rầm rộ khắp nước Mỹ
Kinhtedothi - Hàng trăm nghìn người dân Mỹ đã xuống đường ngày 5/4 trong một làn sóng biểu tình rộng, phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk.

Châu Âu rục rịch ứng phó với thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thể hiện lập trường thống nhất nhằm phản đối chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thị trường toàn cầu tiếp tục hỗn loạn vì "liều thuốc" thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo trong cơn sóng gió kinh tế chưa từng thấy trong ngày 7/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ rõ kiên định với các biện pháp thuế đối ứng toàn diện mà ông gọi là "liều thuốc" để sửa chữa cán cân thương mại.