Người đứng đầu Nhà Trắng dường như phát tín hiệu rằng Mỹ có thể sẽ không thắt chặt lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu lửa Iran nếu giá dầu mỏ tăng trở lại. Ông Trump nói thêm, Washington có thể sẽ “tăng cường thêm” các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Tổng thống Trump không lý giải nguyên nhân khiến ông khẳng định mình là người khiến giá dầu giảm và liên hệ việc giá dầu trượt dốc trong các tuần gần đây với sự chỉ trích mà ông nhằm vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với chính sách của chính quyền Mỹ đối với Iran.
Trong tuần trước, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ miễn trừ đối với 8 quốc gia, cho phép các nước này được tiếp tục nhập khẩu dầu Iran trong vòng 180 ngày mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong OPEC, chính thức có hiệu lực từ ngày 5/11 vừa qua.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ ở Mỹ hôm 7/11, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Tôi đã đồng ý cho một số nước tiếp tục nhập dầu Iran. Tôi quyết định như vậy một phần vì những nước này yêu cầu, nhưng chủ yếu vì tôi không muốn đẩy giá dầu lên 100 hay 150 USD/thùng. Tôi muốn hạ giá dầu xuống".
"Nếu nhìn vào diễn biến của thị trường dầu mỏ, bạn sẽ thấy giá đã sụt giảm mạnh trong vòng 2 tháng qua. Đó là nhờ tôi, vì có một tổ chức độc quyền tên là OPEC và tôi không thích sự độc quyền đó", ông Trump nói thêm.
Giá “vàng đen” hiện đã giảm khoảng 20% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 năm thiết lập hôm 3/10. Sau khi chính quyền Tổng thống Trump công bố biện pháp miễn trừ nhập khẩu dầu của Iran cho 8 nước, giá dầu Brent tiếp tục mất khoảng 1% và giá dầu WTI hạ khoảng 3%.
Theo các nhà phân tích, phần lớn sự giảm giá của dầu thô trong 5 tuần gần đây do chịu ảnh hưởng từ đà bán tháo tài sản rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. Đợt bán tháo lớn thứ 2 của năm nay trong tháng 10 đã khiến chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ có tháng giảm mạnh nhất 7 năm.
Một yếu tố khác đẩy giá dầu đi xuống là sự đồng thuận ngày càng lớn trên thị trường rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ không tăng mạnh như dự báo trước đó.
Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức dự báo đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu do lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự lao dốc của tiền tệ tại các thị trường mới nổi.
Mặc dù vậy, ông Trump có thể "nhận công" khiến giá dầu giảm là một nhân tố thứ ba.
Hiện sản lượng dầu của Ả Rập Saudi, Nga và một số nước xuất khẩu dầu khác đang tăng lên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc các nước này tăng sản lượng một phần do chính quyền Tổng thống Trump đề nghị Ả Rập Saudi khai thác thêm dầu để bù đắp tác động của lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Iran.
Theo các nhà phân tích, phần lớn sự giảm giá của dầu thô trong 5 tuần gần đây do chịu ảnh hưởng từ đà bán tháo tài sản rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. |
Ngoài ra, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác cũng lo ngại giá dầu tăng cao quá sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm sút. Đây là một lý do khác khiến các nước thành viên trong và ngoài OPEC nhất trí tăng sản lượng trở lại trong năm nay, đảo ngược chính sách hạn chế nguồn cung áp dụng từ đầu năm 2017.
Trên thực tế, thị trường dầu thế giới xem quyết định của ông Trump về việc tái áp đặt biện pháp trừng phạt Iran là chất xúc tác chủ yếu khiến giá dầu tăng cao.
Giá dầu đã tăng khoảng 7 USD/thùng trong vòng 1 tháng trước khi Tổng thống Trump chính thức thông báo rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Trong tháng 10, nỗi lo về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt Iran đối với nguồn cung dầu toàn cầu đã đẩy giá dầu WTI lên gần 77 USD/thùng và giá dầu Brent vượt ngưỡng 86 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/11, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm phiên thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 8 tháng. Kết thúc phiên này, giá dầu WTI sụt 0,54 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 61,67 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần cho biết tồn kho dầu thô của nước này tăng thêm 5,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/11, một mức tăng mạnh hơn dự báo và đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng mất 0,06 USD/thùng, còn 72,07 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 17/8.