Trả đũa thương mại Australia: Trung Quốc có làm khó mình?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã một năm trôi qua kể từ khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 – động thái “đụng chạm” tới Bắc Kinh, tiếp sau đó là những đòn trả đũa kinh tế liên tiếp giữa hai bên.

Căng thẳng đã leo thang từng bước và chưa từng hạ nhiệt trong một năm qua. Ngoại trưởng Australia Marise Payne tháng trước thông báo rằng, các thỏa thuận của chính quyền bang Victoria với Trung Quốc, trong đó có biên bản ghi nhớ năm 2018 về Sáng kiến Vành đai và Con đường bị chấm dứt do “không phù hợp với chính sách đối ngoại của nước này và có hại cho quan hệ đối ngoại”. Giới chức Trung Quốc cho biết quyết định này là "khiêu khích" và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
 Trung Quốc và Australia đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại leo thang.
Ngay sau đó, Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia của Trung Quốc đã đình chỉ vô thời hạn Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia, diễn đàn kinh tế chính giữa hai nước, với cáo buộc Australia nhắm mục tiêu không công bằng vào Trung Quốc. Vài ngày sau, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã "xát muối vào vết thương" khi tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ không ngần ngại xem xét lại quyền sở hữu cảng Darwin của một công ty Trung Quốc, một cơ sở hạ tầng quan trọng đối với an ninh của Australia. Chính phủ Trung Quốc cho rằng yêu cầu của Thủ tướng Morrison là "thao túng chính trị". Kể từ đó, hàng hóa xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc phải đối mặt với các rào cản ngày càng tăng. Hàng loạt rào cản thương mại của Trung Quốc được áp lên các mặt hàng xuất khẩu từ Australia như: Rượu, lúa mì, tôm hùm, gỗ, thịt bò và lúa mạch.

Trong khi các cuộc tấn công thương mại vào Australia phần nào gây tổn hại, các ngành công nghiệp bị nhắm tới đã chuyển hướng sang các hoạt động khác hoặc tăng xuất khẩu sang các thị trường khác. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngành công nghiệp lúa mạch của Australia chuyển hướng sang các loại ngũ cốc khác hoặc tái định tuyến các chuyến hàng đến Trung Đông. Nhìn chung, nền kinh tế Australia đã vượt qua các cuộc tấn công thương mại của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Australia còn sở hữu “vũ khí” độc quyền mang tên quặng sắt. Hiện Canberra là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới trong khi Bắc Kinh đang “khát” mặt hàng này cho các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Quặng sắt là một thành phần quan trọng trong sản xuất thép. Với việc Trung Quốc đưa ra gói kích thích 500 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu của Bắc Kinh đối với quặng sắt lớn nhất từ trước tới nay.

Mặt khác, đối với Trung Quốc, lệnh cấm của nước này đối với một số sản phẩm của Australia đã có tác động không mong muốn. Giá than luyện cốc ở Trung Quốc, nhiên liệu cần cho ngành luyện thép của nước này, đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm sau khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu than từ Australia một cách không chính thức và đối mặt với sự chậm trễ trong việc đảm bảo nhập khẩu từ Mông Cổ.

Ngoài ra, động thái chống lại Australia cũng có thể khiến các nước khác phải cẩn trọng hơn trong việc xem xét đầu tư với các DN Trung Quốc. Melissa Conley Tyler, một nhà nghiên cứu tại Viện Châu Á của Đại học Melbourne, cho biết: “Các nhà đầu tư có thể giảm tốc việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chẳng hạn như thông qua việc hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực".

Thực tế đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia nhưng mối quan hệ chính trị giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Quyết định đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế cho thấy, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho một chặng đường đối đầu căng thẳng mới với Australia, mà ở đó, sự nhượng bộ sẽ là điều không dễ xảy ra.