Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lại sự bình thường cho giá vàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng trong nước và trên thị trường thế giới gần đây liên tục tăng “dữ dội”, có thời điểm lập mốc kỷ lục lịch sử.

Đáng chú ý, ngoài việc giá vàng SJC tăng vọt lên mức đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng (ngày 26/12), thương hiệu vàng miếng này còn cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới gần 20 triệu đồng/lượng dù giao dịch không đột biến, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đã thiết lập trật tự thị trường vàng và chấm dứt tình trạng vàng hóa. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng vàng miếng SJC hiện có sự chênh lệch quá cao so với giá vàng trên thị trường thế giới, xuất phát từ việc nguồn nguyên liệu khan hiếm. Nghị định 24 quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này. Đây là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ”, ngày càng chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Ngoài độc quyền vàng miếng SJC, Nghị định 24 cũng không cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Một số DN thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, nên càng làm giá bị đẩy lên cao.

Vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song vàng tăng giá mạnh sẽ tác động đến nền kinh tế. Với mức chênh lệch quá cao so với thế giới, mức lợi nhuận hấp dẫn đã kích thích lòng tham buôn lậu vàng. Trong vài năm gần đây, buôn lậu vàng có dấu hiệu gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và quy mô lớn. Khi việc buôn lậu vàng gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá là không tránh khỏi, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, trả vàng về cho thị trường vận hành. NHNN có thể lo ngại khi thực hiện cơ chế trên thì hiện tượng vàng hóa có thể trở lại tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện đồng Việt Nam đã nâng cao vị thế, lạm phát được kiểm soát thì NHNN có thể xem xét giảm bớt việc độc quyền vàng miếng SJC.

NHNN cần sửa một số quy định bất cập của Nghị định 24 trong bối cảnh mới. Hay nói cách khác, NHNN chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng thay vì giữ quyền sản xuất vàng miếng như hiện tại. NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các DN.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo NHNN cho biết, định hướng điều hành thị trường vàng và sửa đổi Nghị định 24 sẽ tiếp tục cơ chế để vừa bảo đảm quản lý Nhà nước, vừa mang tính thị trường hơn nữa. NHNN sẽ lấy ý kiến rộng rãi để có giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tế nhất. Nếu sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 24, khi đó, thị trường vàng sẽ bình thường.

Cơ chế điều hành cần tốt hơn, không chỉ tốt cho thị trường mà còn ổn định cho toàn bộ các thị trường, gồm vàng - thị trường ngoại hối - chuyển tiền nước ngoài. Khi xem xét lại Nghị định 24 cần nhìn một cách tổng thể các chính sách về quản lý ngoại hối, quản lý tài sản cá nhân, thị trường giao dịch vàng nội địa, giao dịch vàng quốc tế… để có hướng sửa đổi cho phù hợp.