Đó là trăn trở của nhiều đại biểu trước nghị trường Quốc hội khi đề cập đến Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH sau đại dịch Covid-19.
Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, để không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh là vấn đề được đặt ra.
Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, tiền đề phục hồi kinh tế trong thời gian qua góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Nhiều giải pháp ổn định thị trường bất động sản, huy động vốn, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, tích cực, kịp thời góp phần tạo đồng thuận xã hội…
Tuy nhiên, thực trạng vấn đề chậm giải ngân trong thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi KT - XH thực sự rất đáng buồn, khi nhiều chính sách vẫn chưa qua được vòng thủ tục. Thủ tướng Chính phủ đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhanh, đúng, đủ; để người dân và DN sớm được thụ hưởng chính sách.
Tuy nhiên, chỉ riêng về triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ rõ, Quốc hội cho phép tăng mức bội chi so với kế hoạch thực hiện toàn khóa, nhưng Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng, tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.
Cùng với đó, đến nay dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc một số chính sách đã có đến nhưng chưa đáng kể. Trên thực tế còn rất nhiều vướng mắc, lúng túng ở thực thi, từ các chính sách như giảm thuế, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến gia hạn thuế và tiền thuê đất… Tính kịp thời, thủ tục giải quyết và tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trên phạm vi cả nước vẫn xuất hiện nhiều bất cập.
Trong khi đó, như các ĐB đã phân tích, dòng tiền của các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế trong năm nay mới mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu theo đúng mục tiêu đề ra
. Bởi thế, việc có những giải pháp kịp thời để thúc đẩy việc thực hiện là rất cần thiết. Nhưng có ý kiến đã chỉ ra, Quốc hội đã từng có một kỳ họp đặc biệt để xem xét, thông qua một Chương trình đặc biệt, cũng rất cần một quyết tâm đặc biệt và một cách làm đặc biệt để triển khai.
Do đó, việc rà soát tổng thể đang chậm ở đâu, đang vướng ở đâu, là việc cần làm sớm, làm ngay. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm soát, chỉ ra được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc không đảm bảo tiến độ là việc làm cần thiết để các quyết sách nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Thống nhất phương án để có thể vừa tiếp tục hỗ trợ người dân, DN đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, vừa tránh xảy ra những “phản ứng phụ” như đã từng xảy ra khi triển khai gói hỗ trợ trước đó. Để từ đó, tập trung chỉ đạo để hoàn thành một cách nhanh nhất triển khai gói phục hồi phát triển KT - XH theo Nghị quyết của Quốc hội, để tránh lỡ nhịp tăng trưởng phục hồi và đúng với những gì được kỳ vọng từ các quyết sách kịp thời và quan trọng này.