Thị trường dầu mỏ giao dịch ảm đạm trong phiên ngày 19/10 trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách diễn ra cùng ngày của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+. Các cuộc thảo luận tuần trước của OPEC+ cho thấy triển vọng của thị trường dầu mỏ ảm đạm hơn tháng trước.
Đà sụt giảm của giá “vàng đen” được hạn chế ở cuối phiên ngay sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi cho biết OPEC+ sẽ làm “những gì cần thiết” để tái cân bằng thị trường năng lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 5 xu (tương đương 0,1%) xuống 40,83 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent mất 31 xu Mỹ (tương đương 0,7%) còn 42,62 USD/thùng.
Các thương nhân cũng theo dõi sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ và châu Âu, với dự báo nhu cầu năng lượng sụt giảm, qua đó gây áp lực thêm cho giá dầu.
Đại học Johns Hopkins công bố số liệu cho thấy số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt qua con số 40 triệu trong bối cảnh "làn sóng thứ hai" của đại dịch đã hình thành từ tháng 8 ở châu Âu. Nhiều quan chức chính phủ châu Âu đã đưa ra các hạn chế và đóng cửa các doanh nghiệp như quán bar và nhà hàng.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank cho biết: “Thậm chí tình trạng tái bùng phát Covid-19 mới tại nhiều nước trên thế giới chưa tác động ngay đến nhu cầu dầu mỏ trong ngắn hạn, thì hiện tại cũng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường năng lượng đang phục hồi mạnh”.
Phát biểu tại cuộc họp của OPEC+ hôm 19/10, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nói rằng liên minh này có “sự linh hoạt” để thích ứng với những thay đổi trên thị trường dầu và sẽ “làm những gì cần thiết vì lợi ích của tất cả mọi người”.
“OPEC+ phải tuân thủ 3 nguyên tắc chính: dự đoán, ngăn chặn và chủ động” đối với thị trường dầu mỏ, Bộ trưởng cho hay. Nhóm OPEC+ cũng phải đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và thông tin tốt nhất hiện có, đồng thời luôn hướng tới việc xem xét các quyết định được đưa ra.
Tuy nhiên, ông Abdulaziz thừa nhận rằng OPEC+ vẫn còn nhiều việc phải làm để yêu cầu một số quốc gia bù đắp đầy đủ cho việc sản xuất vượt hạn ngạch trong những tháng gần đây.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp kín, Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC) tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng và “khuyến khích” các nước tham gia tăng cường nỗ lực bù đắp cho “khối lượng sản xuất quá mức” nhằm tái cân bằng thị trường.
Tại cuộc họp của JMMC, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết thị trường dầu “đang chứng kiến nhiều bất ổn trên thị trường, điều này đang ngăn cản chúng ta quay trở lại mức trước khủng hoảng”. Theo Bộ trưởng Novak, các điều kiện thị trường hiện tại là một giai đoạn “cực kỳ biến động”.
Trong khi đó, nhà phân tích Edward Moya tại Oanda cảnh báo việc Libya nối lại hoạt động khai thác một số mỏ có thể làm phức tạp thêm vấn đề nguồn cung.
Mới đây hãng tin Bloomberg cho biết sản lượng của Libya sẽ tăng lên khoảng 500.000 thùng/ngày sau khi mở cửa một số cơ sở trở lại trong tháng trước sau khi đóng cửa hồi đầu năm do bị phong tỏa.
Số liệu chính thức được Trung Quốc công bố ngày 19/10 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn ước tính tăng trưởng 5,2% của các nhà phân tích trước đó. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã thu hẹp hoạt động trong tháng 9/2020.
Sức mua dầu mỏ của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong quý IV/2020 do lượng dự trữ cao và hạn ngạch nhập khẩu hạn chế đối với các nhà máy lọc dầu độc lập.
Nhà kinh tế Howie Lee tại ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) nhận xét: “Số liệu về kinh tế Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng hóa và dịch vụ đang yếu đi trong khi thống kê về hoạt động lọc dầu gây thất vọng”.