Đây là câu chuyện không mới và cũng không phổ biến, nhưng cách tư duy, hành động như vậy trong đội ngũ cán bộ, công chức, dù vì lý do gì thì sự xuất hiện của những nhân tố cực đoan ấy trong hệ thống chính trị các cấp chính quyền vẫn là tác nhân gây cản trở công việc chung.
Hệ quả của tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm đã tạo sức ì rất lớn, sự trì trệ trong cơ quan công quyền. Và thực tế đã được các đại biểu chỉ ra, đến thời điểm hiện nay có những dự án trải qua hàng chục năm vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc; nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh cũng ì ạch trong triển khai…
Tìm ra nguyên nhân để có giải pháp triệt tiêu tâm lý “sợ sai”, đúng như quan điểm ấy, trên nghị trường, nhiều vấn đề đã được đề cập. Trong đó, có cả việc chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với một số vấn đề, dẫn đến tình trạng “đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai".
Và đặc biệt, có nguyên nhân chính từ yếu tố con người, khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ. Như đại biểu phân tích, với cán bộ có năng lực hạn chế có tình trạng sợ không dám làm, với cán bộ có năng lực nhưng rõ ràng ý thức và tinh thần còn hạn chế, có chuyện nghe ngóng, né tránh, và còn cả tình trạng “không muốn làm và không dám làm”.
Thực tế cho thấy, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố; nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì sợ sai, sợ trách nhiệm và không biết làm như thế đúng hay sai là không thể chấp nhận được.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm là để xốc lại bộ máy, giúp hệ thống chính trị mạnh lên chứ không thể là cái cớ vin vào đó bao biện cho hành vi sợ trách nhiệm. Muốn giải quyết vấn đề này, phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kể cả khu vực công và tư.
Đó là thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp rõ ràng cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc; tháo điểm nghẽn về pháp lý, tạo cơ chế cho cán bộ phát huy năng lực của mình…
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, việc luật hóa, cụ thế hóa để tạo cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm… và khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá cũng được đặt ra.
Việc đề cao trách nhiệm cùng với xây dựng nhưng cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai rõ ràng chính là để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, triệt tiêu tâm lý e dè, lo lắng, sợ sai. Đây cũng là giải pháp để tạo môi trường làm việc tối ưu, năng cao năng suất lao động; tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong thực tiễn liên quan đến người lao động, giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng hiện nay, thúc đẩy sự phát triển.