Trung Quốc đẩy mạnh điện than bất chấp mục tiêu khí hậu

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đang thúc đẩy sản xuất điện than trong bối cảnh chính phủ nước này cố gắng vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Hành động này được cho là đi ngược lại nỗ lực cắt giảm lượng khi thải carbon của “công xưởng thế giới”, gây biến đổi khí hậu.

Khói bốc lên từ các tòa tháp tại Nhà máy điện than tại Urumqi, phía tây Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Ảnh: AP
Khói bốc lên từ các tòa tháp tại Nhà máy điện than tại Urumqi, phía tây Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Ảnh: AP

Chính phủ Trung Quốc chính thức kêu gọi tăng công suất sản xuất than lên 300 triệu tấn trong năm nay, bằng 7% so với sản lượng 4,1 tỷ tấn của năm ngoái và tăng 5,7% so với năm 2020.

Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, sau sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế vào năm ngoái và việc các nhà máy phải đóng cửa do thiếu nguồn điện, các lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi tăng sản lượng nhiệt điện than. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng khiến Bắc Kinh lo lắng rằng nguồn cung dầu và than từ nước ngoài có thể bị gián đoạn.

Trước đó các nước trên thế giới cam kết đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C trong hiệp ước khí hậu Paris 2015 và thỏa thuận Glasgow năm 2021, nhằm hạn chế sự nóng lên của bầu khí quyển.

Được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ than nhiều nhất. Điều này dẫn đến việc xu hướng toàn cầu phụ thuộc vào những gì Bắc Kinh làm. Theo Tập đoàn truyền thông Caixin của Trung Quốc cho biết than đá rất quan trọng đối với vấn đề “an ninh năng lượng”. Tâm lý đảm bảo an ninh năng lượng đã át đi cam kết trung hòa carbon.

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cam kết ràng buộc về khí thải với lý do cần phát triển kinh tế của nước mình. Bắc Kinh cũng hạn chế nói chuyện với các nước khác về vấn đề loại bỏ dần việc sử dụng nhiệt điện than.

Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc năm 2020, ông Tập cho biết lượng khí thải carbon sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2030, nhưng tuyên bố không có mục tiêu về lượng khí thải. Ông Tập cho biết Trung Quốc hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, hoặc cố gắng loại bỏ càng nhiều khí thải từ ngành công nghiệp và sinh hoạt ra khỏi bầu khí quyển bằng cách trồng cây và sử dụng các phương thức khác vào năm 2060.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), 26,1% lượng khí thải toàn cầu là từ Trung Quốc, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 12,8% của Mỹ. Công ty nghiên cứu xu hướng toàn cầu, Rhodium Group, cho biết lượng khí thải mà Trung Quốc thải ra nhiều hơn tất cả các nền kinh tế phát triển cộng lại.

Theo WRI, trung bình 1,4 tỷ người của Trung Quốc thải ra tương đương 8,4 tấn carbon dioxide hàng năm. Con số này bằng một nửa mức trung bình của Mỹ là 17,7 tấn nhưng nhiều hơn so với 7,5 tấn của Liên minh châu Âu.
Trung Quốc có nguồn cung cấp than dồi dào và sản xuất hơn 90% trong số 4,4 tỷ tấn mà nước này đã đốt vào năm ngoái. Hơn một nửa lượng dầu và khí đốt của Trung Quốc là được nhập khẩu và theo các nhà lãnh đạo nước này, đây là rủi ro chiến lược.

Theo nhà hoạt động Clare Perry của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), việc thúc đẩy sử dụng than có thể khiến Trung Quốc khó đạt được mục tiêu “trung lập carbon vào năm 2060”. Bà Perry cho biết thúc đẩy phát triển than sẽ khiến lượng khí thải “cao hơn nhiều so với mức cần thiết” và động thái này là phản khoa học.

Bắc Kinh đã chi hàng chục tỷ đô la xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và gió để giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt nhập khẩu, đồng thời làm sạch các thành phố chìm trong khói bụi của mình. Năm 2020, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa đầu tư toàn cầu vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, than dự kiến sẽ cung cấp 60% điện năng của Trung Quốc trong tương lai gần.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng mức sử dụng năng lượng của năm 2021 đã tăng 5,2% so với năm 2020 sau khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc hồi sinh, thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất.

Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc kích thích tiêu dùng, đây cũng là một phần nguyên nhân làm tăng sản lượng carbon do việc xây dựng thêm cầu, ga xe lửa và các công trình công cộng khác đã khuyến khích sản xuất thép và xi măng.