Các nhà sản xuất thiết bị y tế Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu thiết bị cao cấp với giá cả phải chăng ra thị trường toàn cầu.
Dữ liệu hải quan cho thấy nền kinh tế số hai thế giới đang tăng cường xuất khẩu các thiết bị y tế cao cấp như: robot phẫu thuật, khớp nhân tạo cũng như giảm dần việc bán ra các sản phẩm như: ống tiêm, kim tiêm và gạc.
Xuất khẩu thiết bị loại III – thiết bị có mức độ rủi ro cao và yêu cầu phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt – đạt 3,9 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm, chiếm 32,37% trong tổng số sản phẩm xuất khẩu, tăng so với mức 28,6% vào năm 2018.
Trong khi đó, xuất khẩu thiết bị y tế loại I với rủi ro thấp, bao gồm ống tiêm, kim tiêm và gạc, chiếm 25,27% tổng thị phần xuất khẩu từ tháng 1-tháng 7, giảm so với mức 30,55% vào năm 2018.
Nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đã xuất khẩu 49 mặt hàng, với tổng giá trị vào khoảng 12,1 tỷ USD, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng tìm kiếm thị trường nước ngoài diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực thiết bị y tế thị trường nội địa ngày càng tăng.
“Chúng tôi phải mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài để duy trì lợi nhuận do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở thị trường trong nước” - Jiang – một nhân viên tại một công ty thiết bị y tế tiên tiến ở Thâm Quyến cho biết.
Các công ty y tế Trung Quốc đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn lợi nhuận tại thị trường nội địa. Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Choice, tổng thu nhập của 124 công ty thiết bị y tế đã giảm 26,68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của hãng truyền thông tài chính Trung Quốc TMTPost vào tháng 6, các công ty có mức doanh thu tăng trưởng ổn định phần lớn do thúc đẩy hoạt động và tăng thị phần ở thị trường các quốc gia khác.
“Công ty chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài kể từ năm 2023, đặc biệt là ở Châu Âu, Châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ” - Jiang nói thêm.
Anh cho biết: “Nhiều sản phẩm của Trung Quốc có chất lượng tương đương với sản phẩm của EU hoặc Mỹ, nhưng có giá rẻ hơn từ 20 đến 30%. Đây là lý do tại sao hơn một nửa đơn đặt hàng của công ty chúng tôi vào năm ngoái đến từ các thị trường đang phát triển đang tìm kiếm các sản phẩm hợp lý hơn”.
Alexander Brown, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), cho biết việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu các thiết bị loại III cho thấy tiềm lực của các công ty ty Medtech nước này trong việc sản xuất và phát triển các sản phẩm tiên tiến. Các sản phẩm được sản xuất ngày càng đáp ứng chất lượng cũng như tiêu chí giá thành rẻ.
Brown cho biết: "Các công ty thiết bị y tế đang tăng cường xuất khẩu sản phẩm sang các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, chẳng hạn như ở Mỹ Latinh và Châu Á, do chính phủ ở những nơi này ưu tiên về yếu tố giá cả. Điều này sẽ giúp Trung Quốc cạnh tranh với các quốc gia tiên tiến khác trong lĩnh vực xuất khẩu”.
Theo dữ liệu hải quan, Mỹ là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu nhiều thiết bị y tế từ Trung Quốc, với việc chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia tỷ dân trong 7 tháng đầu năm. Liên minh châu Âu và Đông Nam Á lần lượt đứng thứ hai và thứ ba với việc chiếm khoảng 14,24% và 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thiết bị y tế trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu thiết bị y tế của các công ty Trung Quốc đang đối mặt với các rào cản thương mại lớn từ thị trường nhập khẩu. Vào tháng 4, EU khởi xướng một cuộc điều tra đối với thiết bị y tế của quốc gia tỷ dân do lo ngại các khoản trợ cấp từ chính phủ nước này có thể ảnh hưởng thị trường khu vực.
Vào tháng 5, Mỹ đã công bố mức thuế đối với hơn 100 sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm cả thiết bị y tế như máy trợ thở và khẩu trang.