Trung Quốc hôm 17/5 đã công bố các bước đi "lịch sử" nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Cụ thể, các chính sách mới sẽ cho phép chính quyền địa phương mua lại "một số" căn hộ, nới lỏng các quy định thế chấp và đẩy nhanh tiến độ giao nhà.
Các nhà đầu tư hy vọng những biện pháp này đánh dấu sự khởi đầu mới khi chính phủ can thiệp quyết liệt hơn nhằm bù đắp cho nhu cầu suy yếu đối với cả căn hộ mới và cũ, làm chậm quá trình giảm giá và giảm lượng nhà tồn kho ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích từ lâu đã kêu gọi chính phủ tham gia mua sắm để hỗ trợ một lĩnh vực mà vào thời kỳ đỉnh cao chiếm tới 1/5 GDP, trong khi hiện nay cuộc khủng hoảng trong ngành này vẫn đang là lực cản lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kể từ khi thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu suy thoái mạnh vào năm 2021, một loạt chủ đầu tư đã vỡ nợ, bỏ hoang nhiều công trường xây dựng và làm mất niềm tin vào loại tài sản vốn từng là công cụ tiết kiệm phổ biến của người dân Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Sau khi làn sóng các biện pháp hỗ trợ trong hai năm qua không tạo được nền tảng cho lĩnh vực bất động sản, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong trong cuộc họp trực tuyến với các ban ngành chức năng đã gợi ý rằng, chính quyền thành phố có thể mua “một số lượng” nhà với giá “hợp lý”.
Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc, những ngôi nhà sẽ được sử dụng để cung cấp nhà ở giá cả phải chăng mà không đưa ra mốc thời gian hoặc mục tiêu mua. Ông cũng cho biết chính quyền địa phương, vốn đang phải chịu khoản nợ khoảng 9 nghìn tỷ USD, có thể mua lại đất đã bán cho các nhà phát triển và hứa rằng chính quyền sẽ "nỗ lực hết sức" để hoàn thành các dự án bị đình trệ.
Trong một diễn biến liên quan, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục hạ lãi suất thế chấp và yêu cầu trả trước.
Chỉ số Bất động sản CSI 300 của Trung Quốc đã tăng gần 9% sau thông báo về các biện pháp trên.
Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ANZ cho biết, các chính sách đưa ra hôm 17/5 cho thấy các nhà chức trách nhận định cần ngăn cản sự sụp đổ của thị trường bất động sản thông qua các biện pháp “khẩn cấp”.
“Đó là một bước đi táo bạo,” ông nói thêm. “Tuy nhiên, làm thế nào tất cả các chính quyền địa phương có đủ khả năng tài chính để thực hiện nhiệm vụ trung ương là một câu hỏi mở.”
Goldman Sachs ước tính lượng nhà ở tồn kho tại Trung Quốc có thể bán được giá trị tới 13,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,87 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2023 và do một số công trình chưa hoàn thành nên sẽ cần 5 nghìn tỷ nhân dân tệ đầu tư vốn để hoàn thành.
Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy có 395 triệu m2 nhà ở mới được rao bán trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ khi thị trường bất động sản suy thoái vào năm 2021, gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ của các nhà phát triển nhà, Trung Quốc đã hạ lãi suất, trong khi hầu hết các thành phố đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế mua nhà trước đó.
Một chương trình tài trợ cho các nhà phát triển nhà thuộc "danh sách trắng" để hoàn thành dự án cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý.
Bên cạnh đó, một chiến dịch được chính quyền Trung Quốc đưa ra tại một cuộc họp vào tháng trước nhằm khuyến khích người dân thay thế căn hộ cũ bằng căn hộ mới chưa minh chứng hiệu quả, do lãi suất mua nhà cũ vẫn còn yếu.
Mặt khác, vẫn còn những câu hỏi dài hạn hơn về nhu cầu nhà ở, trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhân khẩu học nghiêm trọng, nơi 96% hộ gia đình sở hữu ít nhất một căn hộ.