Ngành xuất khẩu Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng. |
Dự đoán, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có thể sẽ phải chịu lỗ 7,3 tỷ USD, tương đương giảm 0,53% GDP của năm, trong bối cảnh ngành công nghiệp du lịch Hàn Quốc mất hơn một nửa lượng du khách từ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh mới đây đã yêu cầu các công ty du lịch ngừng bán các tour tới Hàn Quốc, đóng cửa 23 cửa hàng trong chuỗi bán lẻ của tập đoàn Lotte tại nước này. Động thái trên được cho là nhằm thể hiện việc Trung Quốc phản đối Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Mỹ (THAAD).
Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, trong năm 2016, có tới 44% tương đương 8,1 triệu lượt du khách Trung Quốc đặt tour tới Hàn Quốc, với mức giá cho mỗi người là 2,080 USD. “Trong giai đoạn này, những hành động của Trung Quốc sẽ gây tác động tới một số DN và ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Tuy nhiên, tác động sẽ nghiêm trọng hơn, nếu việc triển khai THAAD hoàn thành”, chuyên gia phân tích Ju Won thuộc Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết.
Trong một báo cáo khác cho thấy, mức tăng trưởng của Hàn Quốc có thể giảm 0,25%. Nhất là trong bối cảnh, việc xuất khẩu hàng tiêu dùng Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc có thể giảm 20% và số lượng du khách từ quốc gia này tới Hàn Quốc giảm 20%.
Các chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Kinh tế IBK dự báo rằng, mức độ thiệt hại do những tác động từ việc triển khai THAAD có thể lên tới 17 nghìn tỷ Won (khoảng 14,7 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại khoảng 1,07%. “Chỉ số tiêu dùng cá nhân có thể chậm lại, do tác động từ ngành xuất khẩu, du lịch, thương mại, trước những hành động trả đũa của Trung Quốc”, chuyên viên phân tích Jang Woo-ae thuộc Viện IBK cho biết.
Mới đây, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố báo cáo hàng tháng đánh giá tình hình kinh tế của nước này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế khiêm tốn của Hàn Quốc nhờ sự gia tăng trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư vào cơ sở sản xuất đang dần “hụt hơi” do vấp phải sự sụt giảm trong tiêu dùng cá nhân.
Báo cáo của KDI cho thấy nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đã đạt tăng trưởng trong đầu tư, song lĩnh vực tiêu dùng cá nhân lại giảm nhẹ, qua đó cho thấy sự tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ rất khiêm tốn. Theo KDI, lĩnh vực bán lẻ ở Hàn Quốc đã có bước tăng trưởng tạm thời nhưng niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp, cho thấy tình trạng trì trệ kéo dài trong sự phục hồi của tiêu dùng cá nhân. Cơ quan trên cũng cho rằng trong thời gian trước mắt ít có khả năng tiêu dùng cá nhân sẽ có bước tăng mạnh do thị trường việc làm ở Hàn Quốc vẫn trong tình trạng trì trệ.