16 năm trước, trên con tàu QNg 7053TS, 3 người con trai của bà Đinh Thị Nhanh (63 tuổi, thôn Tân An, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã mãi mãi nằm lại nơi biển sâu. Tài sản cả cuộc đời bám biển của ông Võ Ốc - chồng bà Nhanh không thể trụ nổi trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão Chanchu.
“Lúc đó nếu dự báo hướng bão chính xác hơn có lẽ 3 đứa nó còn sống, nhưng vì dự báo không đúng nên đi né bão mà không biết đang đi vào tâm bão. 4 tiếng trước khi mất liên lạc, tàu vẫn Icom về thông báo sắp vào bờ. Ai mà ngờ… đó là lần cuối cùng” - bà Đinh Thị Nhanh xót xa, tiếc nuối.
Thẫn thờ nhìn ra hướng biển, bà Nhanh chìm vào hồi tưởng. "Ngày ấy, cứ mỗi lần có tín hiệu từ Icom là cả làng tụ lại nghe. Vẫn nhớ như in thông báo của tàu cá khác cùng địa phương là tàu QNg 7053TS bị chìm rồi, họ đang cố gắng vượt bão để tìm các anh ấy. Rồi họ bảo tắt máy để anh em tìm, gió ngoài này to lắm không nghe được gì” - bà Đinh Thị Nhanh xót xa.
Giữa biển cả mênh mông, cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng. Mỗi lần nghe Icom bà lại gào thét, van xin những ngư dân đừng ngưng cuộc tìm kiếm với hy vọng mong manh, những đứa con của bà đang bám vào đâu đấy và trôi dạt trên biển. Cùng với bà, cả làng biển như nín thở chờ đợi. Nhưng phép màu đã không xảy ra...
“Bánh lái tàu bị dây thừng trôi dạt quấn vào, sức gió quá lớn trong khi con tàu không thể di chuyển được. Rồi bão đến nhấn chìm mọi thứ. Biết thế tôi không cho 3 đứa con cùng lúc lên một tàu để đi. Trời không thương vợ chồng tôi, không để lại đứa con làm chỗ dựa tuổi xế chiều” - ông Ốc buồn bã.
Năm đó, bão Chanchu không những tàn phá tan hoang làng biển Nghĩa An mà còn cướp đi của họ 22 ngư dân. Cả làng chết lặng!
Ông Võ Sáu (80 tuổi, thôn Tân An, xã Nghĩa An) dò dẫm từng bước tiến đến bàn thờ, nhìn di ảnh của con trai mà xót xa: “Nhà có đứa con trai duy nhất, nếu còn sống thì giờ nó đã gần 40 tuổi, có vợ, có con rồi. Năm nào nghe bão to là nhớ nó miết".
Giọng ông Sáu hòa lẫn vào tiếng loa lưu động đang xé toạc tiếng mưa. Những thông tin báo bão Noru dồn dập như sợi dây nối liền quá khứ đau thương với hiện tại đầy âu lo.
Theo chính quyền địa phương, Nghĩa An là xã đặc thù vì đại đa số người dân sống bằng nghề biển. Có rất nhiều trường hợp mất mát người thân, tài sản từ các trận bão trước, như Chanchu... đến nay vẫn rất khó thể ổn định cuộc sống.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần có bão, người dân Nghĩa An, nhất là phụ nữ lại thấp thỏm, lo âu, nhiều người phải thức trắng đêm để nghe tin bão. Trên những con thuyền lênh đênh trong bão tố ngoài kia là chồng, là con, là cả tình yêu và cuộc sống của họ.
Bà Cao Thị Lâu (62 tuổi, thôn Tân An, xã Nghĩa An) xót xa: “Năm ấy chồng tôi cũng bị Chanchu cướp mất. Ổng sức khỏe yếu, lẽ ra không nên đi biển, nhưng vì gánh nặng nuôi mấy đứa con, nghe chủ tàu gọi đã xách áo quần, lưới ra khơi… Rồi ông mãi không trở về".
Thời gian không xóa được ký ức đau thương. Mỗi lần biển nổi sóng to, đài truyền thanh báo bão từ khơi xa thì hình bóng ông Lách (chồng bà Lâu) lại ùa về: “Chừng ấy thời gian rồi nhưng lòng cứ như hôm qua, cứ xốn xang, mong đợi. Mong bão tan sớm, không làm một ai ở đất này thêm đau nữa” - bà Cao Thị Lâu bồi hồi.