Truông nhà Hồ ở đâu?
“Thương em anh chẳng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” là 2 câu ca dao xưa đến giờ vẫn được nhắc. Phá Tam Giang hiện vẫn tồn tại thuộc địa phận huyện Quảng Điền và Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), thế nhưng truông nhà Hồ là địa danh vẫn còn mơ hồ với nhiều người.
Điều bất ngờ chính là truông nhà Hồ không phải nơi thâm sơn cùng cốc và xa xôi, hiểm trở như tên gọi, mà là một khoảnh rừng nhỏ nằm ngay bên Quốc lộ 1 đoạn qua thôn Tứ Chính, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Nơi này, không một bia văn hay bảng chỉ dẫn nên nhiều người dù đi ngang qua nhiều lần không hề hay biết đây là truông nhà Hồ. Người địa phương ở đây quen gọi là rú Tứ Chính hay rú cát, bởi nó nằm trên địa phận thôn Tứ Chính và mọc trên vùng cát khô cằn.
Theo từ điển Tiếng Việt, “truông” là vùng đất hoang, có nhiều cây cỏ. Thế nhưng, theo những người dân địa phương, “truông” không chỉ là vùng đất hoang mà là vùng rừng (phương ngữ còn gọi là rú: Chỉ về vùng cây cối rậm rạp nhưng không cao, ít dây leo) mọc len dọc theo đồng bằng để phân biệt với rừng ở các đồi, núi phía Tây.
Giờ đây, họa hoằn chỉ còn vài người mới biết rõ về địa danh này. Tuy nhiên, tất cả đều qua những câu chuyện kể ly kỳ liên quan đến quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1690 - 1725).
Theo sách Đại Nam Nhất thống chí: Truông nhà Hồ ở phía Bắc huyện Minh Linh (nay là Vĩnh Linh), rừng dài 3 dặm. Tương truyền, ngày trước rừng cây rậm rạp, có nhiều côn đồ tụ họp, cướp bóc người đi đường. Hiển Tông Hoàng Đế sai Nội tán Nguyễn Khoa Đăng kinh lý đất này. Nội tán Nguyễn Khoa Đăng bèn sai người chém chặt cây rừng, lùng bắt côn đồ, do đấy trộm cướp im hơi, buôn bán đi lại được thuận tiện, người dân đều ca tụng.
Những câu chuyện của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng vẫn được truyền tụng, trong đó có câu chuyện dẹp tan băng cướp tại truông nhà Hồ… Thuở đó, con đường thiên lý Bắc - Nam đi ngang qua truông nhà Hồ. Với con đường bộ duy nhất đó luôn có lượng lớn thương nhân, người dân qua lại.
Với địa hình rừng cây rậm rạp, dễ quan sát từ trong ra ngoài và trải dài qua nhiều địa phận, truông nhà Hồ trở thành điểm tụ tập của một băng cướp chuyên cướp bóc người qua đường khiến dân chúng bất an. Là người nổi tiếng mưu lược, đức độ, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng được cử đi dẹp yên truông nhà Hồ.
Để tìm được hang ổ của nhóm cướp, Nguyễn Khoa Đăng cho người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa đi qua truông nhà Hồ. Khi băng cướp vừa hí hửng với chiến lợi phẩm thì bất ngờ Nguyễn Khoa Đăng cùng quân lính lần ra sào huyệt và bắt gọn chúng. Hóa ra, người lính đã bí mật trên thùng xe âm thầm rải lúa làm dấu để ông cùng quân bám theo.
Cũng từ đó, truông nhà Hồ trở nên yên ổn, cư dân cũng dần định cư quanh truông. Sau khi đem lại bình yên cho người dân nơi đây, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã tiếp tục cho quân lính mở rộng cửa phá Tam Giang, từ đó những cơn sóng dữ đã không còn gây nguy hiểm đến tàu thuyền khi qua đây.
Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân gian lưu truyền câu ca dao đến tận bây giờ: “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang/Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm”.
Giữ gìn cho muôn đời sau
Theo thời gian, những rừng cây ở truông nhà Hồ bị xâm lấn dần và thu hẹp. Giờ này, chỉ còn lại những khoảnh rừng nằm cách xa Quốc lộ 1, rải rác từ xã Vĩnh Chấp (giáp ranh với địa phận tỉnh Quảng Bình) đến xã Vĩnh Tú, hoặc nằm về phía Đông xã Vĩnh Tú.
Theo thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, riêng trên địa bàn xã Vĩnh Tú có 323ha rừng tự nhiên, thuộc loại rừng phòng hộ. Toàn bộ là loại rừng rú cát với các loại cây dẻ, trâm bầu. Trong đó, rừng tự nhiên rú Tứ Chính, rừng tự nhiên Đông Trường và nhiệm cụm rú cát nhỏ lẻ khác phân bố đều trên địa bàn xã, do các thôn sinh sống và sản xuất gần với rừng quản lý, bảo vệ.
Với những nghiên cứu bước đầu cho thấy, các rú cát xã Vĩnh Tú chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học khá phong phú, đa loài, nhiều tầng, với khoảng 100 loài thực vật (cây gỗ, cây bụi, dây leo) và trên 30 loài động vật.
Tuy nhiên, vẫn mang trong mình nét đặc trưng của truông nhà Hồ là khu vực rừng tự nhiên rú Tứ Chính. Với diện tích 16ha trải dài song song với Quốc lộ 1, kéo dài từ thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) ra đến thôn Trường Kỳ (xã Vĩnh Tú), rú Tứ Chính tồn tại hàng thế kỷ qua
Đưa chúng tôi vào sâu bên trong cánh rừng, ông Dương Minh Thanh - Trưởng thôn Tứ Chính cho biết, diện tích rừng được giao thôn quản lý, bảo vệ nhiều năm qua. Với một phần nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều năm trước, thôn đã trồng mới thêm khoảng 5ha các loại cây bản địa, như trâm bầu, dẻ.
Thuở trước, rú là nơi sinh sống của nhiều loại động vật như thỏ, nai, những cây cổ thụ 2, 3 người ôm và cánh rừng mai vàng tự nhiên. Nhưng giờ đây chỉ còn các loại chim, động vật nhỏ, còn những khoảnh rừng mai vàng chỉ trong ký ức của ông.
Không chỉ gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất và phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư gần rừng, những rú cát này còn điều hòa khí hậu, lưu giữ nguồn nước cho cư dân trên vùng cát nóng bỏng và che chắn cát bay, mưa bão. Người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu nói: “Rú tàn, làng mạt”, thế nên, họ tự ý thức được việc bảo vệ, giữ gìn những cánh rừng này cho thế hệ hôm nay và mai sau.
“Bà con dân làng mong muốn được quan tâm đầu tư hơn nữa để làm tốt công tác bảo vệ, bởi việc tác động của con người khiến rừng nơi đây vẫn bị lén lút xâm hại. Hơn nữa, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu có bảng chỉ dẫn về một địa danh nổi tiếng qua hàng trăm năm lịch sử để mọi người được biết đến truông nhà Hồ. Từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ hơn nữa” - ông Dương Minh Thanh tâm nguyện.