Từ Ấn Độ đến Indonesia, biến thể Delta đe dọa đà phục hồi kinh tế châu Á

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tiến độ tiêm ngừa vaccine chậm hơn so với phương Tây, sự lây lan của biến thể delta đang thách thức các nền kinh tế châu Á.

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới do biến thể Delta đã buộc nhiều thành phố lớn tại các quốc gia châu Á, từ Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc… quay lại tình trạng phong tỏa. Chính phủ nhiều nước châu Á phải tiếp tục ban bố các biện pháp hạn chế khắc nghiệt, để ngăn chặn dịch Covid-19 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm ngừa vaccine Covid-19 thấp do thiếu nguồn cung. Sự lây lan của dịch bệnh đang đe dọa làm tổn thương lòng tin của người tiêu dùng và xói mòn lợi thế của nhiều cường quốc sản xuất tại châu Á.
 Indonesia - quốc gia có số ca lây nhiễm và tử vong tăng mạnh, đang thuộc nhóm chịu ảnh hưởng hàng đầu về kinh tế tại Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Ngân hàng trung ương Australia, quốc gia có 2/3 dân số đang chịu ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa, ước tính chi tiêu của người tiêu dùng nước này sẽ giảm khoảng 15% trong thời gian đóng cửa hoạt động kinh tế.
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc làm gia tăng rủi ro đối với đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa cuối năm nay, trong bối cảnh nước này vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử và ghi nhận kết quả yếu kém về xuất khẩu và đầu tư. Nhu cầu nước ngoài, vốn đã thúc đẩy nền kinh tế xuất khẩu như Trung Quốc trong đại dịch, với các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng từ xe đạp đến đồ nội thất, thiết bị điện tử được hưởng lợi. Tuy nhiên, động lực đó đang có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước đang giảm nhiệt.
Trong khi đó, Nhật Bản trở thành một trong hai nền kinh tế phát triển duy nhất vừa bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế. Nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - nhà điều hành Fast Retailing của Uniqlo, hồi tháng 7 vừa qua đã hạ triển vọng kinh doanh trong cả năm nay, chủ yếu do ảnh hưởng từ tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản và các biện pháp hạn chế ở các thị trường châu Á khác.
Tại Ấn Độ, nơi biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai càn quét khiến hàng triệu người thất nghiệp và hàng nghìn người tử vong. Trong báo cáo công bố hồi tháng trước, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm nay (tính đến tháng 3/2022) xuống còn 9,5%, giảm mạnh từ mức 12,5% đưa ra trước đó 3 tháng.
Các quốc gia ở Đông Nam Á, khu vực gần đây đã vượt qua Mỹ Latinh về tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 hàng tuần cao nhất, hiện là một trong những nền kinh kế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại tâm chấn Indonesia, nơi số người chết trong tuần này đã vượt con số 100.000 người, Tổng thống Joko Widodo đang nỗ lực tránh siết chặt thêm các biện pháp hạn chế do lo ngại sẽ làm suy giảm thêm nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.
Vì đóng vai trò là cơ sở sản xuất lớn của toàn cầu, nên việc áp lệnh phong tỏa tại một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan sẽ cản trở sản lượng hàng hóa của thế giới. Các nhà máy sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu toàn cầu đang phải tạm dừng hoạt động, và có thể bỏ lỡ mùa mua sắm trong dịp lễ quan trọng ở các thị trường lớn.
Các nhà bán lẻ Mỹ đang cảm nhận được tình trạng gián đoạn và  ngày càng lo ngại rằng họ sẽ không có đủ hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cao điểm vào dịp lễ cuối năm. Steve Lamar - Giám đốc điều hành Hiệp hội Giày dép và May mặc Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden “ngay lập tức tăng cường phân phối lượng vaccine dư thừa của Mỹ cho Việt Nam và các nước đối tác quan trọng khác” bao gồm Bangladesh và Indonesia.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu hoạt động xuất khẩu bị trì trệ thêm nữa, tác động của biến thể Delta đối với các nền kinh tế châu Á có thể lan rộng ra quy mô toàn cầu. Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại tập đoàn HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông, cho biết: "Làn sóng lây nhiễm hiện tại ở châu Á có thể làm gián đoạn hơn nữa các mạng lưới sản xuất, và có nguy cơ kéo dài thương tổn đối với tăng trưởng kinh tế"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần