Từ việc mì ăn liền bị cảnh báo tại EU: Doanh nghiệp phải giữ uy tín

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc một số lô hàng mì ăn liền Việt Nam bị thị trường châu Âu (EU) trả về, cảnh báo vượt ngưỡng ethylene oxide (EO) có thể ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Do vậy, kiểm soát chất lượng khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm (ATTP) là ưu tiên mà các DN cần phải đặt lên hàng đầu.

Thực hư mì ăn liền Việt Nam chứa chất cấm

Mới đây, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, Đức, Ba Lan, Malta vừa gửi cảnh báo đối với các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.

Dây chuyền sản xuất thực phẩm ăn liền tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc Hữu
Dây chuyền sản xuất thực phẩm ăn liền tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc Hữu

Cụ thể, Đức cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP Thực phẩm Á Châu (tỉnh Bình Dương) bị phát hiện dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) và nước này đã trả lại lô hàng. Cùng đó, Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia và xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát cũng như thu hồi sản phẩm.

Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến các sản phẩm mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin. Thông tin từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), ban đầu mới có trường hợp DN xuất khẩu hàng sang Đức nghi có chứa EO và nhiều khả năng lô hàng này xuất vào EU từ trước.

Hiện tại, DN này vẫn chưa có báo cáo cụ thể về sự việc. Theo quy định mới, tất cả sản phẩm mì tôm nhập khẩu vào thị trường EU hiện nay phải được Bộ Công Thương rà soát, cấp giấy xác nhận. Trong khi đó, lô hàng tại Ba Lan khả năng lỗi về giấy tờ, thủ tục hành chính.

Đáng nói, trước đó, một số lô hàng của các DN như Acecook Việt Nam, Công ty CP thực phẩm Thiên Hương... cũng từng bị EU cảnh báo về dư lượng EO vào hồi tháng 8/2021. Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam khuyến cáo, các đơn vị cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc những quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của DN.

"Mỗi quốc gia quy định về hàm lượng EO khác nhau. Ví dụ Mỹ, Canada với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng... quy định tối đa là 7mg/kg, riêng EU quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 - 0,2mg/kg" - ông Ngô Xuân Nam lưu ý.

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm để giảm rủi ro

Thời gian qua đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây chủ yếu là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau... Điều đó dẫn tới, mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam là mặt hàng đã được Ủy ban châu Âu bổ sung vào danh mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên đến nay, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP của Việt Nam. Trước thực tế này, Bộ Công Thương khuyến cáo, song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất ATTP, DN cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công, sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro.

Từ việc mì ăn liền bị cảnh báo tại EU: Doanh nghiệp phải giữ uy tín - Ảnh 1

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho hay, đối với sản phẩm mì ăn liền, hiện EU đang áp tần suất kiểm tra 20%.

Trong thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra xuất khẩu vào EU vì theo quy định 6 tháng, EU sẽ họp một lần để xem xét mức độ vi phạm của các quốc gia để đưa ra biện pháp tăng hoặc giảm kiểm tra. Vì vậy, việc một số DN vi phạm quy định vào thị trường EU sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của các cơ quan này trong việc thúc đẩy hỗ trợ DN xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi.

Để tránh bị những cảnh báo như trên, ảnh hưởng đến nỗ lực hỗ trợ DN xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi của các ngành chức năng, những DN xuất khẩu mì ăn liền vào EU phải đặc biệt lưu ý kiểm soát tốt chỉ tiêu EO, đồng nghĩa phải giám sát chặt từ nguyên liệu đầu vào để đáp ứng yêu cầu.

Đưa ra khuyến cáo về xu hướng tiêu dùng, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho hay, nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng trên toàn thế giới đang được cân bằng theo hướng tốt cho sức khỏe và tiện lợi nên nhu cầu về thực phẩm chế biến cao hơn.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đang đề cao trách nhiệm chung trong việc hình thành mạng lưới thực phẩm tin cậy, minh bạch, phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ kiểm soát tính pháp lý, chất lượng, việc phát triển bền vững của các thương hiệu thực phẩm. Đây là những vấn đề mà các DN xuất khẩu thực phẩm Việt Nam cần đặc biệt lưu ý và bắt kịp xu hướng.

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Ở góc độ nhà nhập khẩu và phân phối, ông Hoàng Xuân Khang - đại diện Công ty International Fresh Group cho hay, hiện tại, sản phẩm do công ty phân phối có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều đáng tiếc.

Những khó khăn, thách thức lớn đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe của thị trường này về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn ATTP, truy xuất nguồn gốc... Không phải rau quả nói chung mà còn rau quả chế biến, sấy, đông lạnh hay đóng hộp. "Đa phần DN hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu ATTP, truy xuất nguồn gốc nên nhiều khi bị loại ngay từ đầu. Vì vậy, cơ quan quản lý nên giúp các DN, nhất là DN nhỏ đạt được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP để xuất khẩu sang thị trường EU" - ông Hoàng Xuân Khang đề nghị.

Liên quan tới việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thời điểm tháng 10/2021, Văn phòng SPS Việt Nam cũng từng thông báo về 1 lô hàng gạo thơm cao cấp giống ST25, nhãn hiệu Nữ hoàng của Vinamex Group khi xuất khẩu vào Bỉ đã phải thu hồi sản phẩm, khuyến cáo người dân không sử dụng khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole - một hoạt chất được sử dụng rộng rãi làm thuốc trừ sâu trong ngành trồng lúa gạo vượt ngưỡng cho phép.

“Vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu rất quan trọng vì một vài lô không đạt tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng tới các DN còn lại. Dư lượng thuốc trừ sâu nên chú trọng, áp dụng tư duy "một người vì tất cả, tất cả vì mọi người" - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam khuyến cáo.

Chia sẻ quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy nhấn mạnh tới câu chuyện việc đàm phán để mở cửa thị trường cho một sản phẩm đó là kỳ công. Mở ra thị trường sẽ giúp sản phẩm Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đến với người tiêu dùng thế giới nhưng cũng cần nhớ tới một nguyên tắc là thị trường mở ra được rồi nhưng quan trọng hơn là cần giữ gìn và phát triển.

"Đây là câu chuyện không phải của riêng bộ, ngành nào, mà tất cả những người tham gia chuỗi liên kết từ nông dân, DN, địa phương tới các bộ, ngành liên quan. Đây cũng là chiến lược chung mà ngành nông nghiệp cần ngồi lại tính toán về lộ trình phát triển thị trường, đảm bảo chất lượng, thương hiệu cho từng sản phẩm nông sản, thực phẩm" - bà Ngô Tường Vy đề xuất.

 

"Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát ATTP, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước. Về phía DN, để tránh vi phạm các quy định của các thị trường dự kiến xuất khẩu sản phẩm, DN cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, nhất là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

"Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người đối với những hóa chất thế hệ mới, đa tính năng có khả năng xuất hiện trong thực phẩm đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nhận diện, cảnh báo. Việc này nhằm đưa ra giải pháp quản lý phù hợp với điều kiện Việt Nam và hài hòa với thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và DN." - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng