Chiều nay (28/9), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.
Hồi 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Giây phút kinh hoàng cả gia đình trốn trong tủ áo quần tránh bão
“Vừa dứt lời xong thì toàn bộ mái nhà bay luôn. Cả gia đình tôi liền trốn vào trong tủ áo quần để tránh bão”, chị Nguyễn Thị Mắm kể lại giây phút kinh hoàng khi bão Noru quét qua. (Xem thêm)
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần.
Cảnh báo mưa lớn: từ chiều ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.
Quảng Ngãi: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 4
Thông tin từ chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, đến sáng 28/9, trên địa bàn chưa có thiệt hại về người do bão số 4 gây ra.
Toàn tỉnh có gần 229.000 khách hàng ở các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa… bị mất điện.
Quảng Ngãi: Hai vợ chồng thoát chết hy hữu trong bão Noru
Mảng tường của nhà kế bên bị gió bão làm đổ sập, rơi thẳng vào nhà vợ chồng ông Kiều Hà, đè nghiến mọi thứ bên dưới... (Xem thêm)
Hiện ngành điện đang huy động toàn lực ra quân thực hiện công tác kiểm đếm, đồng thời triển khai khôi phục lưới điện trung tâm, các phụ tải quan trọng theo phương án, phân công đã duyệt. Đáng chú ý, bão số 4 đã gây nhiều thiệt hại cho huyện đảo Lý Sơn.
Cảnh báo mưa lớn diện rộng
Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27/9 đến 8 giờ ngày 28/9 có nơi trên 150mm như: Hương Khê (Hà Tĩnh) 199mm, Lộc Trì (Thừa Thiên Huế) 398mm, Bình Lâm (Quảng Nam) 629mm, Tiên Phước (Quảng Nam) 403mm, Đăk Choong (Kon Tum) 270mm,…
Trung tâm dự báo, ngày 28/9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 80mm.
Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm.
Ngày và đêm 28/9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Khu vực Hà Nội, từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.
Trung tâm cảnh báo, mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ còn duy trì trong nhiều ngày tới.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.
Thừa Thiên Huế: Hơn 190 nhà tốc mái, sập và 5 người bị thương
Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, tính tới sáng 28/9, ảnh hưởng của bão số 4 đã khiến 66 ngôi nhà dân trên địa bàn thôn Khánh Mỹ tốc mái hoàn toàn, 1 ngôi nhà sập, 2 người bị thương do ngói rơi.
“Sau khi bão đi qua, chính quyền đã huy động toàn bộ dân quân tự vệ, công an cùng với công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ người dân sắp xếp lại vật dụng trong nhà” - ông Nguyễn Văn Chính nói.
Theo thống kê, thiệt hại ban đầu do bão số 4 gây ra trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 5 người bị thương, 190 nhà tốc mái, 1 nhà bị sập và hơn 500 cây xanh đổ ngã.
Tại Gia Lai, theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng của cơ bão số 4, trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, mưa vừa với lượng mưa đo được từ 15,8mm đến 141mm; khu vực các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh có gió cấp 7-8, giật cấp 9; các huyện phía Tây và Trung tâm tỉnh gió cấp 6-7, giật cấp 8. Mực nước tại các trạm thủy văn trên lưu vực sông Ba và sông Ayun đều dưới báo động 1.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Cụ thể, toàn tỉnh đã hoàn thành việc di dời của 376 hộ dân tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn (huyện Kông Chro 40 hộ; Kbang 108 hộ; Ia Pa 76 hộ; Mang Yang 152 hộ).
|
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của tỉnh và địa phương đang chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng di dời 8.500 người tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh (huyện Phú Thiện 500 người, huyện Ia Pa 8.000 người) nếu bị nước lũ cô lập.
Về tài sản, theo báo cáo nhanh đã có 2 con bò bị chết tại huyện Krông Pa và Kông Chro. Một số diện tích mì, hoa màu bị ngập nước, chưa thống kê được diện tích thiệt hại; một số diện tích lúa, mía bị ngã đổ.
|
Về hạ tầng, tại huyện Kbang, từ 3-4 giờ sáng ngày 28/9 đến 7 giờ cùng ngày, tại các xã Krong, Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng và làng Bróch (xã Đông), làng Krối (xã Đak Smar) bị mất điện. Điện lực Kbang đang kiểm tra, khắc phục sự cố về điện.
Trên địa bàn TP Pleiku và huyện Đak Đoa có 1 số cột điện bên đường bị ngã đổ. Nhiều cây xanh trên các tuyến phố ở Pleiku bị gãy đổ, một số bảng hiệu bị gió cuốn bay. Sập 1 cổng sắt tại số nhà 32 Lê Thánh Tôn (phường Ia Kring); 1 cây phượng ngã làm đổ vách tường tại cơ sở 2 Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương); 1 nhà lồng tại thôn 1 (xã An Phú) với diện tích 700 m2 bị đổ sập. Có 1 mái hiên nhà dân tại xã Kông Lơng Khơng bị sập, cổng chào thôn 1 (xã Lơ Ku, huyện Kbang) bị sập.
|
TP Pleiku, Gia Lai: Một phụ nữ tử vong do cột điện gãy đổ ngang đường
Sáng 28/9, thông tin từ UBND TP Pleiku cho biết: Lúc 5 giờ 30 phút cùng này, trên đường từ nhà đến Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa làm việc, bà Nguyễn Thị Trì (SN 1958, trú tại thôn 2, xã An Phú, TP Pleiku) khi vừa đến thì cột điện đổ nghiêng bên đường, khiến bà tông phải. Bà Trì làm tạp vụ tại ngân hàng này.
|
Người dân kịp thời phát hiện vụ việc và chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu. Tuy nhiên, do chấn thương nặng, bà Trì đã tử vong ngay sau đó.
Hiện tại, Công an thành phố và các cơ quan liên quan đang phối hợp điều tra làm rõ vụ việc. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho nạn nhân.
Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra ở Lý Sơn ước gần 63 tỷ đồng
Sáng 28/9, bà Phạm Thị Hương- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thông tin, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến Lý Sơn trong suốt thời gian từ 13 giờ ngày 27/9 đến 4 giờ ngày 28/9 và gây nhiều thiệt hại cho huyện đảo.
“Sức gió mạnh nhất là cấp 11, giật cấp 13. Khi đi qua địa bàn huyện đảo đã gây mưa lớn kéo dài và gió giật mạnh. Đến sáng nay, gió vẫn duy trì ở cấp 7, cấp 8”- bà Hương nói.
Theo thống kê sơ bộ, bão số 4 đã làm thiệt hại cho ngành nông nghiệp của Lý sơn bị thiệt hại nặng nề với 70ha hành vụ hè – thu thiệt hại hoàn toàn; hơn 30 ha đất canh tác bị bồi lấp.
Hệ thống cây xanh cảnh quan ở Lý Sơn đổ gãy, thiệt hại đến 70%, khoảng 250 nhà dân bị tốc mái; nhiều công trình thờ tự, công trình văn hóa bị tốc mái, hư hại; 16 chiếc thuyền neo đậu tại vũng trú bão (gồm 2 tàu, 14 ghe và cano nhỏ) bị hư hỏng; toàn huyện bị mất điện từ 0 giờ 14 phút ngày 28/9. Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra ở Lý Sơn ước gần 63 tỷ đồng.
Hiện ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Lý Sơn đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng xung kích tập trung kiểm kê, giúp nhân dân khắc phục nhà cửa bị hư hại và ổn định đời sống, ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu dọn cây xanh ngã đổ để bảo đảm giao thông thông suốt.
Hoàn lưu bão số 4: Mực nước sông đang lên cao
Thông tin cập nhật từ Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, từ 19 giờ tối 27/9 đến 4 giờ sáng 28/9 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, có nơi trên 200 - 300mm. Trong đó, Thừa Thiên Huế 109 - 278mm, Đà Nẵng 106 - 198mm, Quảng Nam 102 - 286mm; Quảng Ngãi 112 - 306mm, Kon Tum 110 - 167mm.
|
Hiện nay, mực nước một số sông từ Quảng Bình đến Phú Yên đã lên mức báo động (BĐ) 1 đến BĐ2. Cụ thể mực nước lúc 3 giờ ngày 28/9: Sông Gianh tại Tân Mỹ: +1,44 (<BĐ3: 0,06m); Sông Kiến Giang tại Đồng Hới: +1,48m (<BĐ2: 0,02m); Sông Bến Hải tại Hiền Lương: +1,34m (>BĐ1: 0,34m); Sông Hương tại Kim Long: +1,57 (>BĐ1: 0,57m); Sông Thu Bồn tại Hội An: +1,53 (>BĐ2: 0,03m).
Gió mạnh, mưa lớn vẫn diễn ra trên địa bàn Quảng Trị - Thừa Thiên Huế
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thông tin: trên địa bàn có gió giật cấp 7 đến cấp9, chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300mm.
Tại Quảng Trị, có một số nơi gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy vào chiều 27/9 tại thị trấn Cửa Việt, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, đứt một số đoạn dây điện, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Sau khi ghi nhận báo cáo của các địa phương, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huê, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đánh giá đây là cơn bão lớn nên công tác ứng phó được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
|
Thiệt hại ban đầu sau khi bão số 4 đổ bộ vào Quảng Nam
Theo báo Quảng Nam, sáng nay 28/9, người dân và chính quyền các địa phương bắt đầu công tác khắc phục hậu quả của bão.
|
* Tại huyện Quế Sơn ghi nhận 1 người bị thương khi phòng chống bão. Tuyến ĐT611 qua đèo Le tại xã Quế Long bị sạt lở đất đá với khối lượng khoảng 1.000m3. Một số đoạn kênh thủy lợi bị cuốn trôi. Mưa lớn làm ngập cục bộ một số khu vực thuộc xã Quế Xuân 2, Quế Xuân 1, Quế Phú. Hơn 9ha nếp đắng tại xã Quế Hiệp bị hư hại.
Trường Tiểu học Hương An, Trường THCS Quế Mỹ bị tốc mái. Một số trụ điện tại xã Quế Châu gãy đổ gây mất điện một số xã, thị trấn ở phía tây của huyện. Hiện 1.362 hộ dân với 2.987 nhân khẩu di dời xen ghép và 49 hộ với 109 nhân khẩu di dời tập trung đã trở về nhà.
Cơ quan chức năng và người dân đang tích cực dọn dẹp nhà cửa, phát dọn cây cối trên các tuyến đường dân sinh. Lãnh đạo huyện trực tiếp đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra.
* Tại thành phố Tam Kỳ, sau một đêm quần thảo, bão số 4 đã làm ngã đổ hàng loạt cây xanh, bảng hiệu quảng cáo... Tuy nhiên, nhờ người dân chủ động trong phòng tránh nên đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Hiện tại Tam Kỳ vẫn có mưa và gió lớn, nhiều tuyến đường trong thành phố ngập cục bộ. Sau một đêm trắng đón bão, người dân đang tập trung dọn dẹp lại nhà cửa, cây cối ngã đổ.
* Tại huyện miền núi Đông Giang, lúc 6 giờ sáng nay mưa đã tạm ngớt, gió lặng nhưng nước sông A Vương đang dâng cao. Một số tuyến đường Hồ Chí Minh tiếp tục xuất hiện sạt lở nhiều điểm. Đặc biệt tại đoạn giáp ranh giữa xã Zà Hung và thị trấn Prao, một lượng đất đá lớn từ taluy dương tràn xuống lòng đường khiến giao thông chia cắt hoàn toàn.
Nội thị Prao có nhiều cây cối ngã đổ, một số cổng chào bị gió hất tung, quật ngã xuống đường. Chính quyền địa phương chưa có thống kê thiệt hại cụ thể trong đợt bão lũ này.
Ấm lòng những suất cơm ngày bão
Hơn 1.200 suất ăn tối được chuẩn bị chu đáo và trao tận tay cho người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em, người khuyết tật… đang trú bão Noru. (Xem thêm...)
*Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, địa bàn xã Phước Thành và một số xã khác ghi nhận lũ bắt đầu đổ về. Nhờ chủ động sơ tán dân nên hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại lớn. Các xã đang nắm tình hình ở từng thôn, triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho dân và theo dõi diễn biến của bão lũ.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Phước Sơn, bão số 4 làm 2 nhà bị sạt lở mức độ nhẹ, 11 nhà tốc mái. Quốc lộ 14E bị ngập lụt đoạn km64-65 và đoạn km71 tại xã Phước Hiệp nên chưa thể lưu thông tại khu vực này.
Một số tuyến đường liên xã bị sạt lở, tạm thời cô lập các xã vùng cao. Các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim bị mất điện và được đang kiểm tra, khắc phục.
Huyện Phước Sơn đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại, hỗ trợ đời sống nhân dân bằng nguồn lực tại chỗ, nhất là đối với gia đình có người bị nạn, nhà cửa bị hư hỏng. Trong sáng nay, UBND huyện thành lập 3 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 4.
Quảng Ngãi sau bão số 4: Chưa có thiệt hại về người, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và sạt lở
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, đến sáng 28/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không có thiệt hại về người. Hệ thống thông tin liên lạc cơ bản thông suốt.
Tại huyện Lý Sơn và Bình Sơn, bão số 4 làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà bị tốc mái. Có trên 216,5 nghìn khách hàng sử dụng điện tại 6 huyện gồm: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa bị mất điện.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lớn tại một số địa phương, đặc biệt là tại huyện Trà Bồng và Bình Sơn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng liên quan tiếp tục theo dõi, bám sát thông tin diễn biến để kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, núi và ven sông, suối. Đồng thời, khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện tổ chức khắc phục những thiệt hại do bão số 4 gây ra.
Đà Nẵng sau bão đổ bộ: Chưa có thiệt hại về người, cây đổ ngổn ngang
Báo cáo tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4 vào sáng 28/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Trong đêm có 1 trường hợp phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, tại những tuyến đường ven biển, ven sông như Nguyễn Tất Thành, Như Nguyệt, Võ Nguyên Giáp..., khá nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ. Một số hàng quán của người dân bị tốc mái...
Bão tiếp tục đi sâu vào đất liền, gió giật cấp 10
Ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa có gió giật cấp 7; A Lưới, Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9; Trà My có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lượng mưa từ 19 giờ ngày 27/9 đến 07 giờ ngày 28/9, một số nơi trên 230mm như Hà Tĩnh: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 360mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 233mm, Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 627.4mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 263.6mm, Lý Sơn 337mm, Đăk Choong (KonTum) 256.4mm.
Hồi 07 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 06 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển từ Quảng Bình đến Phú Yên (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Cảnh báo mưa lớn: trong ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm. Từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cấp bách ứng phó hoàn lưu bão
Sáng sớm 28/9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm có 1 trường hợp phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu.
Theo ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh cũng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300 mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Có 1 nhà sập, 10 nhà tốc mái, và 1 người bị thương nhẹ.
Từ đầu cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, lúc này phải chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão; cần tổ chức các đoàn công tác đến kiểm tra các địa bàn xung yếu.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết thêm: Bão số 4 đang đổ bộ vào đất liền khu vực giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, cường độ bão khoảng cấp 11-12, giật cấp 14. Bão số 4 đã gây gió mạnh tại một số nơi: Đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Cù lao Chàm có gió mạnh cấp 9; Huế có gió giật cấp 6; Sơn Trà (Đà Nẵng) có gió mạnh cấp 9; Tam Thanh (Quảng Nam) gió mạnh cấp 8, Quy Nhơn, Tuy Hoà có gió giật cấp 6, An Khê (Gia Lai) gió mạnh cấp 6. Khi vào đất liền, phạm vị gió giật mạnh đã thu hẹp lại. Tổng lượng mưa lần này khoảng 400 mm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, từ Quảng Trị đến Bình Định cần tiếp tục cấm biển trong hôm nay. Hiện nay nhiều người dân bắt đầu nôn nóng ra lồng bè của mình để xem thiệt hại thế nào. Cần khẩn trương sửa chữa, khôi phục các trường học. Vùng núi đề phòng mưa cục bộ, hơn 200 mm, cần bố trí lực lượng xung kích ở cơ sở ứng trực sẵn sàng. Đà Nẵng cần kiểm tra tình hình 60 người ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang.
Quảng Ngãi - Đà Nẵng: Chưa ghi nhận thiệt hại về người
Ghi nhận của PV báo Kinh tế & Đô thị, sáng 28/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa có thiệt hại về người. Hệ thống thông tin liên lạc cơ bản thông suốt. Tại huyện Lý Sơn và Bình Sơn, bão số 4 làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà bị tốc mái. Có trên 216,5 nghìn khách hàng sử dụng điện tại 6 huyện gồm: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi bị mất điện. Theo Điện lực Quảng Ngãi, việc khắc phục sẽ được tiến hành ngay sau khi thời tiết ổn định
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lớn tại một số địa phương, đặc biệt là tại huyện Trà Bồng và Bình Sơn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng liên quan tiếp tục theo dõi, bám sát thông tin diễn biến để kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, núi và ven sông, suối. Đồng thời, khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện tổ chức khắc phục những thiệt hại do bão số 4 gây ra.
Cũng theo ghi nhận của PV báo Kinh tế và Đô thị, bão số 4 vào Đà Nẵng lúc rạng sáng với sức gió không mạnh như dự kiến. TP chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên tại nhiều tuyến phố, cây ngã la liệt.
Tại những tuyến đường ven biển, ven sông như Nguyễn Tất Thành, Như Nguyệt, Võ Nguyên Giáp..., khá nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ. Một số hàng quán của người dân bị tốc mái...
Gió thổi tốc mái nhà dân
Tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam, gió lớn do bão Noru gây tốc mái nhà dân. Theo ông Cần (chủ nhà), sự việc xảy ra lúc khuya. Trong nhà ông khi đó có hai người và may mắn không ai bị thương tích.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến 5 giờ ngày 28/9, bão Noru đã gây tốc mái hoàn toàn một nhà dân ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ.
Tại Đồn Biên phòng 276 (đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An) có nhà chỉ huy, nhà ở cán bộ, chiến sĩ bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, vỡ kính sãnh trước nhà chỉ huy. Tại Đồn biên phòng 260 (phường Cửa Đại, TP Hội An) cũng bị vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy.
Cảnh báo mưa lớn trên diện rộng
Lúc 5 giờ sáng 28/9, tại Đà Nẵng ghi nhận trời mưa rất to, gió giật liên tục, đã có thiệt hại nhà bị tốc mái do bão, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), rất nhiều cây xanh ngã đổ, biển hiệu bị thổi bay. Mưa lớn kéo dài làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố như: Hàm Nghi, Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh...
Tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mưa nặng hạt từng cơn, gió thổi mạnh. Sóng biển cao từ 3 - 4m, đập đến các kè chắn sóng. Còn tại đảo Cù Lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An), gió rất mạnh, tuy nhiên chưa có thiệt hại về người cũng như tài sản. Tỉnh Quảng Nam có 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục). Toàn tỉnh có nhiều nhà tốc mái, cây đổ nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể. Tỉnh Bình Định cũng đang bị mất điện tại một số khu vực.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia), cho biết toàn bộ tâm bão đã đi vào khu vực đất liền giữa Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong hôm nay, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ có mưa với lượng phổ biến 120 - 200 mm, có nơi trên 250 mm, khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa với lượng phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.
Sau hôm nay, mưa sẽ giảm dần ở khu vực trên, tuy nhiên do hoàn lưu của bão kết hợp với một rãnh thấp hình thành trong bão nên diện mưa sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình, thời gian mưa sẽ kéo dài đến ngày 30/9. Lượng mưa phổ biến ở Bắc Trung Bộ là 100 - 250 mm, có nơi trên 300 mm, vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hoà Bình mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm.
Tâm bão tại Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi
Ảnh hưởng của bão số 4: tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa có giật cấp 7; Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9; Trà My, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lượng mưa tính từ 19h ngày 27/9 đến 04h ngày 28/9 có nơi trên 220mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 306.2mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 221.2mm, Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 381.6mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 245.4mm,…
Hồi 04 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12; sóng biển cao 4-6m, biển động dữ dội.
Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao 3-5m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Khu vực Kon Tum có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Cảnh báo mưa lớn: trong ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.