Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine làm khó thị trường khí đốt châu Âu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thỏa thuận cho phép vận chuyển khí đốt của Nga sang EU qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và Ukraine sẽ không gia hạn thỏa thuận này.

Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu. Ảnh: Getty
Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu. Ảnh: Getty

Theo đài RT, người đứng đầu công ty năng lượng Ukraine Naftogaz Oleksiy Chernyshov đã đưa ra thông báo trên trong ngày 29/10. Theo kế hoạch, hợp đồng vận chuyển khí đốt sang châu Âu giữa Naftogaz và tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.

“Thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và chúng tôi không có ý định gia hạn. Hợp đồng sẽ kết thúc và quá trình vận chuyển sẽ dừng lại”  - ông Chernyshov tuyên bố.

Theo quan chức này, Naftogaz không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu vì Gazprom mới thanh toán khoảng 70% số tiền chi phí quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông Chernyshov nói rằng Kiev sẽ không hủy bỏ hợp đồng hiện tại ngay lập tức vì các đối tác châu Âu của họ cần sự quá cảnh này.

Hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Gazprom và Naftogaz được gia hạn lần cuối vào tháng 12/2019. Hai bên đã nhất trí kéo dài hợp đồng từ năm 2020 đến năm 2024, kèm theo khả năng tiếp tục gia hạn.

Sau khi đường ống khí đốt Nord Stream của Nga dừng hoạt động vô thời hạn do bị phá hoại vào tháng 9/2022, tuyến vận chuyển quá cảnh qua Ukraine là con đường duy nhất đưa khí đốt Nga đến khu vực Tây và Trung Âu. Tuy nhiên, tập đoàn Gazprom vẫn cung cấp khí đốt thông qua đường ống TurkStream và Blue Stream ở phía Nam và Đông Nam châu Âu.

Khi dòng chảy khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong hơn 18 tháng qua do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự tại Ukraine và sự cố kỹ thuật, một số quốc gia EU vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Moscow.

Đặc biệt, Hungary đã nhiều lần tuyên bố ý định tiếp tục mua khí đốt của Nga để đáp ứng hầu hết nhu cầu của nước này. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết Budapest sẵn sàng thảo luận về các phương án thay thế cho việc nhập khẩu khí đốt của Nga, chẳng hạn như triển vọng tăng cường nguồn cung qua đường ống TurkStream.

“Đường ống TurkStream có công suất rất lớn, với 8,5 tỷ mét khối thông qua đường ống chạy từ Serbia đến Hungary. Do đó, khối lượng vận chuyển khí đốt trong hợp đồng dài hạn được Hungary ký với tập đoàn Gazprom có thể được vận chuyển dễ dàng qua đường ống này”-  Bộ trưởng Szijjarto nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti.

Theo hợp đồng với Gazprom, Hungary hiện nhận được 1 tỷ mét khối khí đốt  của Nga qua đường ống TurkStream và 4,5 tỷ mét khối từ tuyến đường ống trung chuyển qua Ukraine.

Ngoại trưởng Szijjarto ngày 28/10 cho  biết Hungary sẽ không ủng hộ đợt trừng phạt tiếp theo của châu Âu đối với Nga nếu chúng nhắm vào ngành năng lượng của Moscow. Lý giải cho tuyên bố trên, ông Szijjarto cho rằng các biện pháp hạn chế năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hungary.

Theo Ngoại trưởng Szijjarto, Nga đang cung cấp khí đốt tự nhiên đều đặn cho Hungary theo một bản hợp đồng có thời hạn 15 năm giữa Budapest và công ty năng lượng Gazprom của Moscow.

Ngoại trưởng Hungary cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga ngay cả khi quốc gia trung gian tiếp nhận nguồn nhiên liệu này là Ukraine không gia hạn các hợp đồng quá cảnh với Nga.

Sau khi nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu giảm mạnh vào năm ngoái, giá khí đốt tại EU tăng kỷ lục, khiến lạm phát phi mã và  gây ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia thành viên.

Moscow nhiều lần cảnh báo rằng việc hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga chỉ gây tổn hại cho người dân và các ngành công nghiệp của EU.

Trước thông tin Ukraine có kế hoạch hủy bỏ hợp đồng quá cảnh khí đốt với Nga lần đầu tiên được tiết lộ vào giữa mùa hè, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cảnh báo động thái này sẽ “giáng một đòn” mới vào thị trường khí đốt EU, trong khi Ukraine sẽ “tự bắn vào chân mình khi mất nguồn thu từ hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga”.