Thời gian qua, nhiều sai phạm trong phát hành, tư vấn và phân phối trái phiếu DN đã được các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý. Nguyên nhân của thực tế này đã được nói nhiều. Đó là sai phạm đến từ việc DN phát hành sai quy định. Đó là sự “lách luật” của các đơn vị tư vấn, phân phối trái phiếu là các công ty chứng khoán, ngân hàng... Phía cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục thanh kiểm tra hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, trong đó không loại trừ viêc có hay không trách nhiệm của các cơ quan hậu kiểm, thanh tra, giám sát như Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước…
Dù những diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã ít nhiều khiến nhà đầu tư mất lòng tin. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây vẫn là một kênh huy động vốn mà nhiều nước phát triển đang triển khai hiệu quả. Vậy, hiểu thế nào và làm thế nào cho đúng với trái phiếu trong thời điểm hiện tại?
Về phía DN phát hành, quy định trước đây và hiện hành đều nêu rõ, trái phiếu phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Vì vậy, nhà đầu tư cần được tư vấn và minh bạch để nắm rõ các rủi ro khi đầu tư trái phiếu và tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.
Về phía nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP mới ban hành, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng. Vì vậy, mọi hành vi “lách luật” hoặc tiếp tay “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp và mua trái phiếu đều là sai quy định.
Về phía các cơ quan quản lý, việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động TPDN, đẩy mạnh truyền thông để thông tin minh bạch, khuyến nghị đề phòng rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư là giải pháp cần được thực hiện tích cực hơn nữa để không xảy ra những sự việc đáng tiếc. Tại Nghị định số 65, một trong những nội dung mới là bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, trong đó có kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin của tổ chức huy động vốn. Lộ trình thực hiện từ 1/1/2023.
Thực tế, những động thái làm sạch thị trường TPDN có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, khiến khối lượng trái phiếu được yêu cầu rút trước hạn tăng cao. Tuy nhiên, về dài hạn, việc này sẽ làm tăng niềm tin cho thị trường, đưa trái phiếu về đúng ý nghĩa, mục tiêu của nó.
Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN cần giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của DN phát hành. Điều này vừa khiến nhà đầu tư mất lãi suất, vừa khiến DN đau đầu xoay xở dòng tiền. Hiện, vẫn có rất nhiều TPDN được phát hành bởi các đơn vị chất lượng tốt.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP với các quy định tiếp tục tạo điều kiện để cho các DN huy động vốn trên thị trường, tăng tính minh bạch bảo vệ quyền lợi của cả nhà đầu tư cũng như các DN phát hành. Việc ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành, chế độ công bố thông tin, báo cáo giúp tăng cường tính minh bạch của trái phiếu phát hành, được kỳ vọng sẽ đưa thị trường TPDN bước vào một thời “bình thường mới” và TPDN thực sự là kênh huy động vốn minh bạch, hiệu quả, tăng niềm tin với nhà đầu tư.