Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Vàng đen" tiếp tục lao dốc do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới giảm sau khi Ả rập Saudi và các quốc gia Ả rập khác ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar, gia tăng thêm lo ngại về việc phá hỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm kiềm chế nguồn cung dư thừa.

Trong phiên giao dịch ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới giảm gần 1%, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang khiến thị trường lo ngại.
Giá dầu Brent giảm 32 xu, tương đương 0,65% so với phiên giao dịch trước đó, ở mức 49,15 USD/thùng. Giá dầu Brent đã mất hơn 8% kể từ khi OPEC quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu đến hết tháng 3/2018.
 Giá dầu thô thế giới giảm sau khi Ả rập Saudi và các quốc gia Ả rập khác ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar. Ảnh: Getty  
Trong khi đó, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 32 xu, khoảng 0,7% xuống  47,08 USD/thùng.
Ngày 5/6, Ai Cập, Ả rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen và Chính phủ miền Đông Libya và Maldives đã đồng loạt tuyên bố đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này hỗ trợ các tổ chức khủng bố cực đoan.
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày 5/6 vì các nhà đầu tư dự đoán rằng sự gián đoạn nguồn cung có thể củng cố giá dầu sau khi thông tin về nhóm các nước Ả rập ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar.
Tuy nhiên, giá tăng lên chỉ trong ngắn hạn vì lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể đe dọa tới cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC nhằm hạn chế nguồn cung dư thừa toàn cầu.
Qatar có năng suất khoảng 600.000 thùng/ngày, là một quốc gia sản xuất dầu nhỏ của OPEC. Các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu căng thẳng chính trị ở Trung Đông leo thang, Qatar có thể từ bỏ hạn ngạch sản xuất được thỏa thuận trước đó trong cam kết với OPEC. Điều này có thể phá hỏng thỏa thuận gia hạn việc giảm sản lượng cho tới tháng 3/2018.
Sự căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sản lượng dầu của Mỹ tăng có thể làm tình trạng dư thừa nguồn cung trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân là vì sản xuất của Mỹ đã đạt trung bình hơn 9,3 triệu thùng/ngày trong tuần thứ 4 liên tiếp, và được dự đoán có thể lên đến gần 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018.