Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng “lên ngôi” trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kim loại quý được ví như loại "tiền tệ không quốc tịch" đang tỏa sáng trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu giữa thời điểm căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng.

Theo tờ Nikkei, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng tốc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng cách chuyển hướng từ đồng USD và nhân dân tệ sang vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Trong quý 2/2024, lượng mua ròng trên thế giới đạt mức 183 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Wmmetalsandalloys.com.
Trong quý 2/2024, lượng mua ròng trên thế giới đạt mức 183 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Wmmetalsandalloys.com.

Tỷ trọng đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, vốn chiếm hơn 70% vào đầu những năm 2000, đã giảm đáng kể và hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Điều này cũng xảy ra với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Sau khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mỹ đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Nga và loại Moscow khỏi hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD. Điều này khiến các nền kinh tế mới nổi đẩy mạnh tích lũy vàng – loại tài sản không gắn với bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 3/2024, tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu ở mức 12,35 nghìn tỷ USD, trong đó đồng USD chiếm 58,9%, tăng 0,4% so với mức thấp kỷ lục vào cuối năm 2023 nhưng vẫn dao động quanh mức thấp lịch sử. Vào đầu những năm 2020, tỷ trọng đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đạt tới 70%.

Tỷ trọng đồng nhân dân tệ cũng đang giảm. Vào cuối tháng 3/2024, đồng nội tệ của Trung Quốc chiếm 2,2% dự trữ ngoại hối toàn cầu, giảm 0,7% so với mức đỉnh tháng 3/2022.

Mặc dù đồng nhân dân tệ mất giá khoảng 3% so với đồng bạc xanh vào năm 2023, IMF lưu ý rằng ngay cả sau khi điều chỉnh theo biến động tỷ giá hối đoái, tỷ trọng của đồng tiền Trung Quốc vẫn giảm đáng kể từ năm 2022.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Daisuke Karakama của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), ​các lệnh cấm vận chống Nga của phương Tây và bất ổn địa chính trì đã khiến các quốc gia trên toàn thế giới đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm tỷ trọng nắm giữ đồng bạc xanh và nhân dân tệ.

Một báo cáo được Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs công bố hồi tháng 4 cho thấy Ukraine, Na Uy, Brazil và 7 quốc gia khác đã giảm tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối từ quý 1/2022 đến quý 4/2023. Đáng chú ý, Thụy Sĩ và Israel ghi nhận mức giảm nhiều nhất.

Khi các quốc gia tiếp tục đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình, hoạt động mua vàng liên tục chứng kiến mức tăng kỷ lục.

Các ngân hàng trung ương thế giới đã mua ròng khoảng 1.030 tấn vàng vào năm 2023, gần đạt mức kỷ lục 1.082 tấn vào năm 2022 và là năm thứ 2 liên tiếp lượng mua ròng vượt mức 1.000 tấn. Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong quý 2/2024, lượng mua ròng khoảng 183 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua báo cáo dự trữ vàng của nước này ở mức xấp xỉ 2.264 tấn vào cuối tháng 6 và duy trì mức này trong 2 tháng liên tiếp do giá vàng quốc tế cao. Trung Quốc tăng trữ vàng trong 18 tháng liên tiếp, bắt đầu từ tháng 11/2022.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Brazil đã cho biết, tỷ lệ dự trữ vàng của nước này ở mức 2,6% vào cuối năm 2023, tăng 0,08% so với năm 2022. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong kho dự trữ ngoại hối quốc gia giảm 0,57%, xuống còn 4,8%, xếp sau đồng USD và euro.

Tỷ lệ dự trữ vàng của Ấn Độ cũng đang tăng lên. Đến cuối tháng 7, dự trữ vàng của quốc gia Nam Á đạt 57,6 tỷ USD, tăng 30% so với một năm trước đó. Bên cạnh đó, Singapore, Philippines và nhiều nước khác trên thế giới cũng đang tăng cường dự trữ vàng.