Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao khó triệt tiêu “bến cóc”?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi lực lượng chức năng kêu khó thì nhiều chuyên gia cho rằng, để trị căn bệnh trầm kha mang tên “xe dù”, “bến cóc” cần có một liều thuốc mạnh bằng chế tài xử phạt thật sự nghiêm minh.

Bài 1: Cận cảnh “bến cóc” khủng trên đường Khuất Duy Tiến

Bài 2: Hoạt động rầm rộ trong đêm

Bài cuối: Phải dùng “liều thuốc” mạnh

Từ hai “bến cóc” trên đường Khuất Duy Tiến đến “bến cóc” di động với đoàn xe “rùa bò” trên trục đường Phạm Hùng đều có một điểm chung là lựa chọn nơi giáp ranh giữa các địa phương nhằm dễ bề hoạt động. Điều này khiến việc quản lý và xử lý vi phạm gặp khó khăn.

Càng xử lý càng... sống khỏe?

Trao đổi với chúng tôi về hai "bến cóc” trên đường Khuất Duy Tiến và tình trạng đoàn xe “rùa bò” đại náo trên tuyến đường Phạm Hùng, lãnh đạo Đội Thanh tra Giao thông quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm đều khẳng định vẫn thường xuyên tổ chức cắm chốt hoặc tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu vì sao “xe dù” vẫn lộng hành và “bến cóc” vẫn... sống khỏe?

Xe khách mang logo của nhà xe Thái Đăng Long ngang nhiên ''vợt'' khách trước cửa tòa nhà Thăng Long Number One. Ảnh: Quý Nguyễn

Ông Phan Anh Tuấn – Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông quận Cầu Giấy xác nhận, hai “bến cóc” trên đường Khuất Duy Tiến cùng nằm trên một địa bàn (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy – phóng viên). Đối với “bến cóc” trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One, đơn vị vẫn thường xuyên cắt cử lực lượng đứng chốt tại đây và tiến hành kiểm tra, xử lý thường xuyên.

"Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách thì rất khó để “xe dù”, “bến cóc” lộng hành. Bởi thế mà dư luận nghi ngờ có sự bảo kê, tiêu cực. Chừng nào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt vẫn buông lỏng thì chừng đó còn có xe dù lộng hành." - Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Thân Văn Thanh

Khi chúng tôi thông tin, quá trình theo dõi tại khu vực trước cửa tòa nhà Thăng Long Number One ghi nhận tình trạng xe dừng đỗ đón trả khách rất nhiều thì ông Tuấn cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý”. Đối với “bến cóc” nằm ở khu vực gần khu tổ hợp chung cư cao cấp Vinhomes D’ Capitale Trần Duy Hưng, ông Tuấn cho biết, địa phận thuộc quận Cầu Giấy chỉ kéo dài khoảng 100m dọc theo đường Khuất Duy Tiến. “Chúng tôi đang tăng cường lực lượng ở cả hai địa điểm này” – ông Tuấn nói.

Về tình trạng “bến cóc” di động và đoàn xe “rùa bò” trên đường Phạm Hùng, ông Hoàng Ngọc Đức – Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông quận Nam Từ Liêm khẳng định, đơn vị vẫn thường xuyên đi kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp xe vi phạm trong thời gian qua. “Hàng ngày, chúng tôi vẫn sử dụng xe loa, hoạt động thường xuyên trên tuyến đường Phạm Hùng để tuyên truyền, nhắc nhở kết hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm” – ông Đức nói.

Về chủ trương, giải pháp đấu tranh với nạn “xe dù”, “bến cóc” trên đường Phạm Hùng trong thời gian tới, ông Đức cho rằng, do tuyến đường Phạm Hùng nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm nên ngoài sự chủ động của từng địa phương thì cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của hai quận. “Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm để ngăn chặn, xử lý. Còn đối với Bến xe Mỹ Đình, chúng tôi vẫn phối hợp thường xuyên để kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết” – ông Đức nói.

Cần một giải pháp tổng thể

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vấn nạn “xe dù”, “bến cóc” đã nhức nhối trong suốt nhiều năm qua dù đã được phản ánh và lên án rất nhiều. Theo ông Thanh, sự tồn tại của “xe dù”, “bến cóc” có một phần nguyên nhân quan trọng do sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là bao che cho sai phạm của lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương.

“Nếu không được bao che thì “bến cóc” không thể nào tồn tại trong một thời gian dài được” – ông Thanh nói. Đồng thời phân tích rằng, mỗi chiếc xe khách hiện nay đều bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình, vậy tại sao khi xe khách đó “chạy dù”, ghé vào “bến cóc” để bắt khách, các cơ quan quản lý Nhà nước không phát hiện ra để xử lý? Bên cạnh đó, một “bến cóc” dù là nhỏ cũng có cả chục xe khách ra vào mỗi ngày, tại sao cơ quan chức năng không phát hiện ra?

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, muốn giải quyết triệt để vấn nạn “xe dù”, “bến cóc”, không chỉ riêng Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước cần một giải pháp tổng thể. Bởi từ nhiều năm nay, rất nhiều chiến dịch truy quét “xe dù”, phá bỏ “bến cóc” được nhà chức trách Hà Nội thực hiện nhưng hiệu quả mang lại không cao do cứ “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ khác, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Đầu tiên cần có chế tài phạt thật nặng những xe đỗ lấy khách ngoài bến. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng cùng lúc như công an, thanh tra giao thông, Ban quản lý bến xe. Thậm chí có thể yêu cầu ký cam kết, hợp đồng trách nhiệm, nhằm giám sát thường xuyên, xử lý mạnh tình trạng “xe dù”, “bến cóc”. Như vậy mới phát huy được hiệu quả” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, ngoài công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các xe khách tuyến cố định vào bến đón khách, khi đó “bến cóc” sẽ không còn sức “hấp dẫn”. “Có thể nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục ra vào bến, tiết giảm phí bến, cải tiến, nâng cấp chất lượng quản lý và các dịch vụ, tiện nghi trong khu vực bến xe để thu hút xe và hành khách vào bến” – ông Thủy kiến nghị.

"Muốn xóa triệt để nạn xe dù, bến cóc, TP Hà Nội cần có sự đánh giá toàn diện, thận trọng, đề ra các nhóm giải pháp căn cơ, giải quyết đồng bộ các vấn đề. Quan trọng nhất là quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông vận tải phải được xây dựng từ những khảo sát thực tế." - Chuyên gia giao thông TS Đặng Minh Giang