Vì sao Nga không coi Ukraine là “quốc gia khủng bố”?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho rằng coi Ukraine là "quốc gia khủng bố" sẽ trở thành "sai sót về mặt pháp lý".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov. Ảnh: Tass
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov. Ảnh: Tass

Theo đài RT, phát biểu với báo giới hôm 25/11, Thứ trưởng Oleg Syromolotov cho biết Nga bác bỏ bất cứ học thuyết nào cho rằng một nước có thể bị coi là "quốc gia khủng bố" và không có lý gì để Nga tuân theo chính sách thiếu sót mà phương Tây đang theo đuổi.

Thứ trưởng Syromolotov cũng khẳng định Nga sẽ không liệt Ukraine vào danh sách "quốc gia khủng bố".

Ông Syromolotov nêu rõ: “Học thuyết 'quốc gia khủng bố' được Mỹ và các nước phương Tây lợi dụng nhằm biện minh cho việc can thiệp vào nội bộ nước khác, cũng như vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc. Học thuyết này được dùng để hợp thức hóa các biện pháp cưỡng chế đơn phương của họ, vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả quốc gia".

Ông cho biết thêm, Moscow coi các biện pháp đơn phương như vậy là "không thể chấp nhận được". Ông Syromolotov giải thích khủng bố là hành vi phạm tội liên quan đến trách nhiệm hình sự cá nhân của những kẻ thực hiện các vụ tấn công. Do đó, chỉ các cá nhân chứ không phải toàn bộ quốc gia phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp như vậy.

Thứ trưởng Syromolotov cho rằng coi Ukraine là "quốc gia khủng bố" sẽ trở thành "sai sót về mặt pháp lý". "Chúng tôi sẽ không trở thành nước tiếp theo vi phạm luật pháp quốc tế" - ông nhấn mạnh.

Ông Syromolotov cũng chỉ trích nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU), khi coi Nga là "quốc gia bảo trợ khủng bố”. Ông gọi đây là một phần của "chiến dịch thông tin và chính trị do phương Tây thực hiện nhằm chống lại Nga”.

Ông Syromolotov khẳng định Nga luôn là nước tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động chống khủng bố.

"Nếu một số quốc gia hoặc Nghị viện châu Âu muốn tìm ra những kẻ khủng bố thực sự, chúng tôi đề nghị họ xem xét kỹ hơn, nhất là những gì xảy ra gần đây ở vùng Baltic và Biển Đen, thay vì thực hiện chiến dịch truyền thông chính trị chống lại Moscow” - Tass dẫn lời vị Thứ trưởng.

Vị này cho biết, Nga đã nhiều lần kêu gọi sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế chống lại khủng bố, ngay từ thập niên 1990, khi Moscow tiến hành một chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Kavkaz".

Theo ông Syromolotov, những nỗ lực cáo buộc  Nga là "quốc gia bảo trợ khủng bố” đã xuất hiện trước khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và rõ ràng chính Kiev đã khởi xướng chiến dịch truyền thông chính trị chống lại Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần gọi Nga là "quốc gia khủng bố" và kêu gọi các nước khác, đặc biệt là phương Tây, coi Nga như vậy. Tổng thống Zelensky giữa tháng 10 yêu cầu Đại Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) coi Nga là "quốc gia khủng bố" và đầu tuần này nhắc lại yêu cầu trên.

Mặc dù vậy, Mỹ, quốc gia ủng hộ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, hiện không đáp ứng yêu cầu của chính quyền Kiev. Đại sứ Mỹ phụ trách Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth Van Schaack hôm 22/11 cho biết nước này không thể coi Nga là "quốc gia khủng bố" do không đáp ứng các tiêu chí liên quan.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần