Vì sao nhà đầu tư bất an với Trung Quốc?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được kỳ vọng lớn sau khi dỡ bỏ hạn chế Covid-19, sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế thứ hai thế giới đang khiến các nhà đầu tư chùn bước.

Gần đây, các nhà đầu tư đã rất bất ngờ về sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc sau khi chấm dứt chính sách zero-Covid vào tháng 12/2022.

Vấn đề nổi cộm là chi tiêu thấp do thu nhập thấp và thói quen tiết kiệm. Những yếu tố đó đè nặng lên triển vọng phát triển dài hạn của nước này.

Một số chuyên gia cho rằng đó là hệ quả của chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ hay những đình trệ do xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, nguyên nhân thực tế nằm ở các vấn đề nội tại của nền kinh tế Trung Quốc.

Khách hàng tại một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc ở Bắc Kinh. Nguồn: Nikkei Asia
Khách hàng tại một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc ở Bắc Kinh. Nguồn: Nikkei Asia

Vào năm 2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nhận định nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên bất ổn, thiếu cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực và không bền vững.

Thật vậy, bất chấp những nỗ lực tăng chi tiêu hộ gia đình nhằm tái cân bằng nền kinh tế, mọi thứ không những không khả quan hơn mà khiến đầu tư và xuất khẩu càng gặp khó khăn.

Chi tiêu hộ gia đình ở Trung Quốc vào năm 2021 chỉ chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội, ít hơn rất nhiều so với 53% tại Nhật và 70% ở Mỹ.

Người dân Trung Quốc thường tiết kiệm chi tiêu để trang trải học phí, chi phí y tế và lương hưu. Nguyên nhân cũng do mạng lưới dịch vụ công cộng và an sinh xã hội của nước này kém, trong khi điều kiện để gia tăng tài sản hộ gia đình không mấy thuận lợi.

Bắc Kinh cũng không thể dựa vào việc tăng lương cho lao động để bù đắp chi tiêu trong dài hạn bởi tốc độ tăng tiền lương trong thời gian gần đây đã bị chững lại.

Không những vậy, thu nhập từ các khoản đầu tư hộ gia đình chỉ chiếm 4% GDP nước này ít hơn nhiều so với 18% của Mỹ. 

Thêm vào đó, việc chính phủ Bắc Kinh nỗ lực phát triển thị trường bất động sản – loại tài sản các hộ gia đình trung lưu tìm kiếm lợi nhuận thay vì cho thuê – đã gây thất vọng, khiến giá thuê khó có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP trong tương lai gần.

Đối với thị trường chứng khoán, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, những biến động gần đây đã khiến các nhà đầu tư khó tìm kiếm lợi nhuận ổn định. Không những vậy, chính sách thu hút công ty phục vụ các ưu tiên của nhà nước đã khiến nhiều người không thể yên tâm về tính an toàn của thị trường.

Việc chính phủ luôn ưu tiên dự án nhà nước hay chính sách giữ lãi suất tiền gửi thấp để ngân hàng quốc doanh có lãi làm cho thu nhập hộ gia đình từ các nguồn này giảm.

Để phát triển kinh tế, Trung Quốc cần khắc phục những tồn đọng và ưu tiên hơn nữa cho các thành phần kinh tế khác.